Thực trạng đáng lo ngại
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7/2021, kim ngạch XK thủy sản vẫn tăng 7,5% đạt gần 854 triệu USD, trong đó XK sang các thị trường Mỹ, EU tăng mạnh, sang các nước CPTPP và Hàn Quốc tăng nhẹ, XK sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 20%.
Sau 7 tháng đầu năm, XK sang Mỹ vẫn giữ được tăng trưởng cao nhất 36%, sang EU tăng 19%, CPTPP tăng 10%, trong khi XK sang Trung Quốc giảm trên 10%.
Ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều thách thức bởi COVID-19.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7, việc áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, tình hình sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản chững lại rõ rệt. Với yêu cầu sản xuất chế biến 3 tại chỗ ở 19 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có thể thực hiện theo phương thức này, với công suất sụt giảm từ 30 - 70% tùy từng DN.
Tuy nhiên, việc xuất hàng trong tháng 7 có thể vẫn sử dụng nguyên liệu và dự trữ tồn kho trước đó nên kết quả qua thống kê chưa phản ánh xu hướng sụt giảm, nhưng so với các tháng trước, mức tăng trưởng đã thấp hơn đáng kể.
XK tôm trong tháng 7 vẫn tăng 13% so với cùng kỳ đạt 441 triệu USD, trong đó cả tôm sú và tôm chân trắng đều tăng (lần lượt 19% và 14% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, XK tôm hùm giảm 45%, chủ yếu do XK năm 2020 khó khăn vì dịch Covid, người nuôi giảm diện tích nên sản lượng giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc. Tuy vẫn tăng trưởng dương, nhưng so với các tháng gần đây, mức tăng XK tôm sang các thị trường đã thấp hơn nhiều.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc cũng chững lại từ tháng 7.
Sau khi tăng 28% trong tháng 6, xuất khẩu cá tra trong tháng 7/2021 chỉ tăng nhẹ 2% đạt 226 triệu USD và lũy kế 7 tháng đạt 907 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng phản ánh xu hướng sụt giảm mức tăng trưởng trong tháng 7. Trong tháng 7, XK cá tra sang Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia, Nga vẫn tăng từ 24- 208% so với cùng kỳ, nhưng XK sang Trung Quốc giảm sâu 26%, sang Anh và Thái Lan giảm lần lượt 40% và 22%.
Xuất khẩu tháng 8 bị ảnh hưởng mạnh vì yêu cầu giãn cách và 3 tại chỗ
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, sau hơn 1 tháng các doanh nghiệp (DN) thủy sản tại TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía nam hoạt động trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Trên thực tế, tới nay chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-60% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Sản xuất sụt giảm trong hơn 1 tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch XK tháng 8 giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng cá tra bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa sổ nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất
Trước thực trạng đáng lo ngại kể trên, VASEP đã gửi kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu khôi phục sản xuất, kinh doanh trước 15/9.
VASEP cho rằng mục tiêu trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là: Sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất vẫn còn chưa đủ và chung chung.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất thủy sản là rất lớn.
Với ngành thuỷ sản, nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì sẽ có nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Riêng nuôi trồng thủy sản nếu không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu tôm, cá... sẽ ứ đọng, nông dân vô cùng khó khăn. Do đó, VASEP đề xuất trong mục tiêu cần có thời gian để nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2021.
Hiện nay trong chuỗi thủy sản, DN chế biến đang đóng vai trò chủ đạo, thúc đẩy và liên kết chặt chẽ với lực lượng sản xuất là đông đảo nông - ngư dân khai thác biển.
Không chỉ làm gián đoạn hoạt động chế biến của các nhà máy, đại dịch COVID-19 đã làm lĩnh vực nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề, cần được nhà nước hổ trợ mới có thể duy trì, tái đầu tư… làm nền tảng cho công tác marketing bán hàng của DN mới có thể giữ vững vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên thương trường.
Điện rất quan trọng đối với bất cứ nhà máy nào, từ khâu chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Do đó, việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng - chế biến - cấp đông - bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới chỉ có hỗ trợ cho “kho bảo quản” thì không hoàn toàn chính xác và không đủ theo đối tượng để có thể tạo ra tác động mang tính hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu duy trì và phục hồi sản xuất của chuỗi thuỷ sản.
Ngoài ra, việc đưa ra chỉ “kho bảo quản” như trong dự thảo là hoàn toàn khác với ý kiến chính thức của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN ngày 8/8/2021 về kiến nghị này của VASEP: “Kiến nghị của VASEP là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này, ngay sau hôm nay chúng tôi sẽ bàn với Tập đoàn điện lực Việt Nam để xem xét giảm một cách phù hợp. Đặc biệt ưu tiên cho nhóm bảo quản và chế biến các sản phẩm nông-thuỷ sản, hải sản”.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng kiến nghị dừng thu phí, điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, KCN.
Theo đó, VASEP đề nghị TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng và đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Về các chi phí sản xuất, VASEP đề đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.