Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Dự trữ lúa gạo sẽ “cứu cánh” cho vụ hè thu các tỉnh phía Nam?

Doanh nhân Việt Nam 17:33 26/08/2021

Nhiều nhận định cho rằng, việc Nhà nước xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo cho các tỉnh phía Nam sẽ làm “trống kho”, đây là cơ hội cho việc dự trữ bù đắp.

Thu hoạch cầm chừng, rớt giá

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, bên cạnh những thuận lợi căn bản, việc sản xuất, thu hoạch lúa của các tỉnh phía Nam đang gặp nhiều bất lợi.

Theo đó, chi phí vận chuyển hàng hóa nông sản tăng gấp đôi mà không có tài xế nhận, do sợ ảnh hưởng dịch COVID-19. Xe lớn thì vận chuyển khó, không vào được, giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm.

Còn hàng trăm nghìn ha lúa hè thu chưa thu hoạch xong do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Mặt khác, về thu hoạch lúa, đa phần nhân công tham gia thu hoạch, máy gặt đập liên hợp đều là người dân lao động làm thuê nên khó tự nguyện bỏ chi phí xét nghiêm COVID, gây thiếu hụt lượng, vận hành máy móc thu hoạch, khó có thể di chuyển ra vào giữa các vùng dịch cách ly để thu hoạch nông sản, tăng chi phí giá thành sản phẩm.

Cũng theo Cục Trồng trọt, COVID-19 đã và đang làm mất cân đối cung cầu nghiêm trọng giữa TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác. Việc đi lại và lưu thông hàng hóa như dòng chảy đang bị thắt nút dần lại. Điều này dẫn đến việc lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ khó khăn, kết hợp các chợ đầu mối và chợ truyền thống chiếm 60 – 70 % thị phần tiêu thụ bị đứt gãy làm cho nguồn cung không tiếp cận được người tiêu dùng.

“Nếu dịch bệnh chưa ổn định và các yếu tố trên chưa được khắc phục thì diễn biến cung cầu thị trường sẽ có chiều hướng xấu thêm và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông sản”, Cục này nhận định.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Trồng trọt, tới ngày 23/8, diện tích lúa hè thu chưa thể thu hoạch vẫn còn lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tại địa phương này vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Diện tích lùa hè thu tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc ĐBSCL, với trên 1,5 triệu ha. Sản lượng lúa ở khu vực này dự kiến khoảng xấp xỉ 5,2 triệu tấn, năng suất trung bình đạt gần 57 tấn/ha. Hiện nay, dù lúa đã vào chín, nhưng vẫn còn khoảng gần 600 nghìn ha chưa thu hoạch.

Tại tỉnh Bạc Liêu, người dân đang tập trung thu hoạch lúa hè thu và dự kiến kéo dài cho đến tháng 9/2021. Với tổng diện tích sản xuất vụ hè thu hơn 58.900ha, tổng sản lượng lúa của địa phương này ước đạt 331.658 tấn.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay chính là nhiều nơi lúa đã chín đầy đồng nhưng không có dịch vụ thu hoạch và thương lái đến thu mua lúa của nông dân. Trong khi đây là thời điểm thường xảy ra mưa to, gió lớn, nếu không tập trung thu hoạch nhanh lúa dễ bị đổ ngã gây thiệt hại và làm giảm năng suất.

Ngành NN-PTNT Bạc Liêu nhận định, khó khăn về thị trường tiêu thụ cũng làm cho giá thu mua lúa giảm mạnh và gây bất lợi cho nông dân. Hiện nay, giá bán các giống lúa khác nhau giảm dao động từ 200 - 600 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ (trong đó, giống lúa Đài thơm 8 và RVT giá bán giảm nhiều nhất với 600 đồng/kg). Nguyên nhân do chi phí vận chuyển tăng cao (chi phí sang ghe trung chuyển) và không có người thu mua. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì chắc chắn giá lúa sẽ còn lao dốc và có khả năng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của vụ thu đông, đông xuân và lúa vụ mùa.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhằm góp phần duy trì sản xuất.

Tại các địa phương khác như Sóc Trăng, Tiền Giang… việc thu hoạch lúa vụ hè thu cũng đang gặp nhiều khó khăn chung. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, dịch COVID-19 ảnh hướng rất lớn đến việc tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa tiêu thụ tốt nông sản, ngành NN-PTNT Sóc Trăng đề nghị các địa phương rà soát diện tích và sản lượng các loại nông sản chuẩn bị thu hoạch. Thông qua đó hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các vựa thu mua, vận chuyển tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Thành lập các tổ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ tại các ấp, xã của từng địa phương.

Cửa sáng từ dự trữ quốc gia

Ngày 20/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các địa phương được nhận gạo từ nguồn dự trữ quốc gia gồm TP Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Tây nguyên, 14 tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, 9 tỉnh khu vực Nam Trung bộ.

Lúa hè thu tại tỉnh Cần Thơ đã chín vàng trên cánh đồng. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền hơn 4 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Hỗ trợ từ Chính phủ tới các tỉnh phía Nam như phao cứu sinh giúp người dân vượt qua đại dịch. Việc này càng cho thấy, dự trữ quốc gia có tầm quan trọng như thế nào trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Chính vì vậy, việc bổ sung, bồi hoàn lượng lúa gạp đã xuất cấp lại quan trọng hơn gấp nhiều lần.

Trong khi, vụ lúa hè thu, người dân đang phải chịu cảnh, thu hoạch khó khăn, rớt giá, nhiều người nhận định, công tác dự trữ quốc gia sẽ đóng vai trò “cứu cánh”.

Thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thì giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất một năm qua, hiện giá dao động khoảng 390 USD/ tấn (giảm khoảng 100 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước). Tại thị trường trong nước, giá thóc gạo nội địa khu vực ĐBSCL giảm liên tục trong nhiều tuần qua.

Trên thực tế, ngoài khó khăn trong thu hoạch, tiêu thu, khâu dự trữ lúa gạo tại các địa phương cũng vô cùng hạn chế. Thậm chí, đây có thể trở thành gánh nặng đối với người sản xuất, doanh nghiệp thu mua lúa gạo lúc này.

Có lẽ, hơn bao giờ hết, vai trò của dự trữ quốc gia cần phát huy kịp thời, đúng trọng tâm. Đây có lẽ là cửa sáng gần như duy nhất cho bài toán tiêu thụ lúa gạo cho các tỉnh phía Nam hiện nay.

Trong khi đó, Cục Trồng trọt khẳng định, từ nay tới cuối vụ, sẽ thường xuyên cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn và nguồn nước, chất lượng nước phục vụ cho sản xuất. Quan trọng nhất bám sát diễn biến của dịch COVID-19 và tác động của dịch bệnh đến thu hoạch, lưu thông hàng hóa nông sản của địa phương.

Từ đó, xây dựng phương án đảm bảo kế hoạch, tiến độ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu thông, phân phối nông sản trong trường hợp địa phương bị giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Phương châm sống còn với thu hoạch vụ lúa hè thu vẫn là “xanh nhà hơn già đồng”.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/du-tru-lua-gao-se-cuu-canh-cho-vu-he-thu-cac-tinh-phia-nam-36874.html

Bạn đang đọc bài viết Dự trữ lúa gạo sẽ “cứu cánh” cho vụ hè thu các tỉnh phía Nam? tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường