Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian gần đây cơ quan này đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc một số hợp đồng giao kết liên quan đến việc mua bán xe ô tô (hợp đồng đặt cọc mua hoặc hợp đồng mua ô tô) của một số hãng xe hoặc đại lý bán xe có các nội dung không phù hợp theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, hợp đồng giao kết cho phép bên bán xác định giá mua bán xe tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán (là thời điểm diễn ra sau khi ký hợp đồng đặt mua xe).
Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có công văn gửi các công ty nhập khẩu xe ô tô đề nghị các đơn vị rà soát các bản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung (như hợp đồng đặt mua xe, thỏa thuận đặt cọc, hợp đồng mua bán…); và các hợp đồng theo mẫu khác đã giao kết với người tiêu dùng để đảm bảo các điều khoản hợp đồng tuân thủ quy định. Trường hợp phát hiện các điều khoản trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung vi phạm theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, các công ty có trách nhiệm sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm và thông báo cho người tiêu dùng đã giao kết hợp đồng.
Trên thực tế, thời gian qua một số hãng xe, đại lý xe dù đã nhận cọc của khách hàng nhưng không nêu giá bán cụ thể mà đến khi có xe để bàn giao thì sẽ tăng giá so với mức thông báo trước đó, nhất là đối với những dòng xe hút hàng, khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc.