Hà Nội, Thứ Năm Ngày 07/11/2024

7 loại rau thông dụng giúp thanh nhiệt, giải độc trong mùa hè nắng nóng

Khánh Mai 16:54 18/05/2023

Rau xanh là nguồn dinh dưỡng tự nhiên giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể hiệu quả, đặc biệt, trong những ngày hè nắng nóng.

Rau muống

Rau muống có nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, tro, canxi, phốtpho, sắt, kali; các vitamin B1, B2, C, PP và nhiều acid amin. Y học hiện đại chứng minh rau muống cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin A... Đông y cho rằng rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, lá ngón, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn...

Rau muống có nhiều tính năng và tác dụng trong việc phòng, chữa nhiều chứng bệnh mà tiêu biểu là thanh nhiệt, giải độc trong mùa hè, thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước, ù tai, chóng mặt, đau đầu do tăng huyết áp...

Rau muống là loại thực phẩm dễ chế biến, dễ ăn, cách đơn giản nhất là luộc lên. Và tùy theo từng vùng, người ta có thể chấm với nước mắm, xì dầu, chao, mắm tép và tương.

Ngoài rau muống luộc, còn có rau muống xào tỏi (có thể gia chút mắm tôm theo truyền thống); làm nộm rau muống với lạc rang giã dập, giấm, đường, tỏi, ớt; canh riêu cua hoặc canh cua khoai sọ thay cho rau rút, ăn với lẩu gà, làm rau muống nướng. Cũng thường thấy rau muống được chẻ ra ăn sống với các loại rau thơm khác.

Rau muống có nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, tro, canxi, phốtpho, sắt, kali; các vitamin B1, B2, C, PP và nhiều acid amin. Ảnh minh họa

Rau ngót

Rau ngót trong dân gian còn được gọi theo nhiều tên như rau tuốt, bồ ngót, bù ngót. Rau ngót có lượng đạm cao, chất béo, đường, kali, sắt, mangan, đồng, betacaroten, vitamin C, B1, B2, nhiều sinh tố C và K. Bên cạnh đó, rau ngót còn là vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Những cây từ 2 năm tuổi trở lên thường dùng để làm thuốc.

Bộ phận dùng là lá của cây rau ngót. Hái lá tươi dùng ngay. Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Rau ngót được khuyên dùng cho người giảm cân và người bệnh có đường huyết cao.

Theo Đông y, rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Người thể hư hàn kiêng dùng hoặc nếu dùng nên cho thêm mấy lát gừng.

Rau má

Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Theo nghiên cứu, dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết giúp vết thương chóng lành và mau lên da non, do đó được dùng để điều trị bỏng, vết thương, vẩy nến…

Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Ảnh minh họa

Rau má có thể ăn sống, luộc hoặc nấu canh, xay lấy nước uống, trộn salad với thịt bò xào hoặc đem muối dưa. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40g rau má tươi có công dụng rất tốt thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát. Lưu ý: Ăn hay uống quá nhiều nước rau má có thể gây choáng. Những người có dùng thuốc hạ đường huyết, thuốc giảm đau hay hạ huyết áp nên thận trọng bởi rau má có thể làm tăng tác dụng của thuốc.

Rau dền

Ở nước ta rau dền có nhiều loại nhưng thông dụng nhất là rau dền trắng (xanh) và rau dền tía. Cả hai loại đều chứa nhiều loại chất dinh dưỡng và hoạt chất sinh học cần thiết cho cơ thể. Thân và lá rau dền có vị ngọt, chứa rất nhiều protid, lipid, glucid, nhiều vitamin, sắt và chất khoáng rất tốt cho sức khỏe con người. Hàm lượng canxi có trong rau dền rất dồi dào, lại không chứa acid oxalic nên cơ thể người rất dễ hấp thu và tận dụng triệt để lượng sắt và canxi đi vào cơ thể.

Hai cách chế biến rau dền chủ yếu là luộc và nấu canh. Dền luộc khi ăn dùng với nước chấm có gia vị hoặc vừng, nước luộc làm canh. Dền nấu canh thường cho thêm tôm khô, thịt để gia tăng độ ngọt.

Ngoài hai cách phổ biến trên, rau dền cũng có thể được chế biến theo cách xào với một số gia vị như tỏi, hành... Dền cơm và dền đỏ có vị ngọt còn dền gai lại có vị đậm đặc trưng. Rau dền có tính mát nên là món ăn dân dã rất thích hợp trong mùa hè và đã trở nên quen thuộc đối với người Việt Nam.

Giá đỗ

Giá đỗ (còn gọi là giá, củ giá hoặc quả giá) là hạt đậu nảy mầm, dài chừng 3 đến 7cm. Đây là loại thực phẩm, một loại rau. Giá đỗ thường được ủ cho nảy mầm từ hạt đậu xanh (cũng có giá đỗ từ đậu tương, hoặc đậu Hà Lan). Giá đỗ giàu vitamin đặc biệt là vitamin C, khoáng chất, amino acid, protein và chất có nguồn gốc thực vật (phytochemicals), những chất cần để mầm cây phát triển, cũng là các chất bổ dưỡng cho người. Ăn giá hay mầm ngũ cốc cũng là một cách để tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của các loại đậu và ngũ cốc...

Giá đỗ giàu vitamin đặc biệt là vitamin C, khoáng chất, amino acid, protein và chất có nguồn gốc thực vật (phytochemicals). Ảnh minh họa

Giá đỗ có thể được ăn sống, như một trong các loại rau sống, rất thường thấy khi kết hợp với các loại rau thơm khác trong đĩa rau sống. Nó thường được cho vào nem rán, xào với thịt bò, nấu với một số loại canh chua, chần sơ ăn như rau. Giá được xử lý làm món ngâm chua thường đi chung với dưa chua làm thành món dưa giá, hoặc kết hợp với dưa chuột thái mỏng làm dưa muối xổi, ăn với thịt kho Tàu hoặc những đồ ăn nhiều mỡ. Bên cạnh đó, giá có thể dùng sống hay chần cho vừa chín tới ăn với phở.

Rau diếp cá

Diếp cá là loại cây mọc hoang, sinh trưởng tốt tại các vùng đất độ ẩm cao. Trong dân gian, ông bà ta thường dùng diếp cá để thải độc và tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, các nhà thực vật học đã chứng minh được dược tính của loại rau này có tác dụng như kháng sinh tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Khi sử dụng rau diếp cá, hoạt động của đường ruột được kích thích tốt hơn, tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn... Tuy nhiên rau diếp cá có mùi khá nồng và đặc trưng nên một số người kén ăn sẽ khó khăn để sử dụng.

Rau mồng tơi

Trong y học cổ truyền, mồng tơi có vị hơi chua tính hàn tốt cho máu, giúp thải độc, làm đẹp và nhuận tràng. Pectin ẩn chứa trong thành phần của rau có khả năng phòng bệnh, điều trị táo bón, thúc đẩy chuyển hóa chất béo ngăn sự tích tụ mỡ thừa nguy hiểm cho cơ thể. Ngoài ra phụ nữ mang thai nên sử dụng loại rau này để ngăn ngừa hội chứng dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Đồng thời ăn rau mồng tơi đều đặn sẽ tăng sức đề kháng cho hệ tuần hoàn, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh nan y.

Theo ViệtQ

Link gốc : https://vietq.vn/7-loai-rau-thong-dung-giup-thanh-nhiet-giai-doc-trong-mua-he-nang-nong-d210739.html

Bạn đang đọc bài viết 7 loại rau thông dụng giúp thanh nhiệt, giải độc trong mùa hè nắng nóng tại chuyên mục Ăn uống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ăn uống