Pa pỉnh tộp
Đây là một trong những đặc sản của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc. Cá tươi làm sạch sau đó sẽ được ướp với nhiều loại gia vị như gừng, xả, rau mùi, hành... rồi sau đó kẹp lại bằng một khúc tre rồi nướng trên bếp củi. Khi cá chín, người Thái thường ăn kèm với xôi nếp, nước chấm là chẩm chéo.
Bánh gật gù
Bánh gật gù là đặc sản nổi tiếng của Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo, khi ăn thì cuộn tròn lại giống như món phở cuốn. Điểm đặc biệt khi tại công đoạn nghiền bột làm bánh gật gù, người dân địa phương thường cho thêm cơm nguội, vì thế bánh sẽ phồng, xốp và dẻo hơn các loại bánh khác.
Chắt chắt
Trong những món ngon đặc trưng của Quảng Bình là món chắt chắt. Một món ăn mà vừa nghe thấy tên thôi đã khiến người ta tò mò muốn thử ngay lập tức. Chắt chắt là một loại động vật nhuyễn thể giống như hến nhưng kích thước nhỏ hơn. Chắt chắt có vị ngọt đậm đà thường được dùng để nấu canh với mít non, nấu cháo hoặc các món xào ăn kèm với bánh đa.
Cơm âm phủ
Chỉ nghe tên không thì chắc chắn rằng đại đa số trong chúng ta đều rùng mình, tên gọi ma mị như vậy liệu có thể ăn được không. Tuy nhiên, thực chất đây là một món cơm trộn với rất nhiều thành phần như cơm, rau củ, thịt gà hoặc lợn, giò lụa, tôm... màu sắc hấp dẫn và đầy đủ dinh dưỡng.
Bánh cóng
Đến với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, chắc chắn bạn sẽ thấy có rất nhiều nơi bán loại bánh này. Nguyên liệu làm được chiếc bánh này rất dễ tìm, gồm bột đậu xanh, tôm, thịt, rau hành. Bánh có vị béo ngậy, ăn kèm với nước chấm chua ngọt và các loại rau sống sẽ khiến bạn mê mẩn.
Tung lò mò
Ghé thăm An Giang thì chắc chắn bạn sẽ nhận được lời mời đi ăn tung lò mò. Trời ơi món ăn gì mà có tên khó nhớ vậy. Thực chất đó là món lạp xưởng bò truyền thống và là nét ẩm thực đặc trưng của người Chăm. Vỏ ngoài là ruột bò, bên trong là thịt và mỡ bò xay vụn, đôi khi có thêm vài hạt tiêu để tạo hương vị béo ngậy, cay cay.
Theo Hoa Học Trò