Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 05/10/2024

Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử?

TDVN 16:41 08/12/2019

Thương mại điện tử (TMĐT) đang dần chi phối thế giới nhờ chiếm lĩnh thị trường và người tiêu dùng bởi lợi thế của internet. Thế nhưng, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ở Việt Nam, TMĐT đang là miền đất hứa của các doanh nghiệp (DN) khi đã có nhiều cái tên rất nổi của kênh bán hàng online như Alibaba, Amazon đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.

Đặc biệt, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường (Nielsen Việt Nam), có hơn 55% người tiêu dùng Việt thừa nhận sẵn sàng dùng kết nối mạng để mua sắm nhanh hơn và thuận tiện hơn; 35,8 triệu người đã kết nối vào mạng xã hội với thời gian vào mạng trung bình 24,7 giờ/tuần để xem và mua bán hàng hóa.

Không chỉ có thế, đến năm 2025 sẽ có 49% dân số sống ở các đô thị; tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập cao cũng tăng từ 17% năm 2015 lên gần 25%. Số người tiêu dùng sành kỹ thuật số sẽ đóng góp phân nửa chi tiêu của tất cả người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giao dịch trên các trang thương mại điện tử vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hàng giả, hàng nhái, thậm chí là hàng cấm được bày bán gần như công khai trên mạng - đây là mặt trái của thương mại điện tử khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy lo ngại khi giao dịch, mua bán hàng hóa trên kênh này.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Trước thực trạng này, câu hỏi làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử cũng được đặt ra.

Từng nói về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện nay, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, các đối tượng tìm mọi cách để lách các bộ lọc kỹ thuật của sàn. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm soát người bán đăng các sản phẩm với tên N.I.K.E hoặc Ni_KE thay vì để NIKE... Thậm chí có những đối tượng bán mặt hàng cấm nhưng lại không đưa rõ hình ảnh mà đưa một cái tên rất khó phát hiện như “Cỏ Mỹ”, “Lá cây đu đủ”...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng, không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ lập fanpage để chạy quảng cáo, bán hàng. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.

“Họ thông tin, bán hàng lên mạng, khi đó họ sử dụng những hình ảnh thật, nhưng khi mua hàng, sản phẩm mà khách hàng nhận được thì lại là hàng giả, hàng nhái. Điều này bản thân khách hàng không biết được. Ngoài ra cũng có những trường hợp nhiều người mua thích hàng rẻ nên biết là nhái vẫn mua hoặc không phát hiện được”, ông Đặng Hoàng Hải nêu rõ.

Ông Đặng Hoàng Hải cũng thừa nhận rằng trình độ kỹ thuật, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý thực thi còn yếu, trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được những thay đổi công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế.

Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, thời gian tới Cục sẽ tăng cường tiến hành rà soát các website, kiểm tra phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử các nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Tăng nặng việc xử phạt vi phạm hành chính

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2019, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ ra những vi phạm phổ biến trong lĩnh vực này. Theo ông đó là kinh doanh nhưng không đăng ký hay thông báo với cơ quan chức năng về website bán hàng. Thậm chí chất lượng khác xa so với quảng cáo.

Nói thêm về thủ đoạn mới, theo ông Linh, đã có hiện tượng một số công ty chuyển phát nhanh “vô tình” trở thành công cụ cho việc chuyển phát hàng lậu. Qua kiểm tra việc vận chuyển trên đường, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hàng hóa không có hóa đơn chứng từ được thực hiện bằng phương thức này.

Từ sự thay đổi nhanh chóng của thương mại điện tử, ông Linh đề xuất việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên Internet. Trong đó, một kiến nghị được ông nhắc tới chính là tăng nặng việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp.

Trong khi đó, ở phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử cũng gợi mở một số giải pháp, cụ thể là ràng buộc trách nhiệm của các chủ sàn trong việc nói không với hàng giả.

Về mặt quản lý chuyên môn, cơ quan này sẽ lưu ý hơn đến việc rà soát, phân loại các website thương mại điện tử nhằm tạo bộ lọc tốt hơn cho thị trường.

“Thời gian tới, Cục sẽ xây dựng hệ thống phần mềm tiếp nhận khiếu nại trực tuyến sau đó chia sẻ tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, cũng như cảnh báo cho người tiêu dùng,” ông Tuấn nói.

Khả Như (T.H)/Theo VietQ

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử? tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng