Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Có công bằng với hãng bay tư nhân khi chỉ Vietnam Airlines được bay quốc tế trở lại?

TDVN 09:25 20/07/2020

Cục Hàng không vừa gửi Bộ GTVT phương án khôi phục những đường bay quốc tế, trong đó đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện khai thác giai đoạn đầu.

Cục Hàng không vừa gửi Bộ GTVT phương án khôi phục những đường bay quốc tế, trong đó đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện khai thác giai đoạn đầu.

Đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam đang gây ra tranh luận lớn bởi đề xuất này bất bình đẳng giữa doanh nghiệp quốc doanh (Vietnam Airlines) và doanh nghiệp tư nhân (VietJet Air, Bamboo Airways). Tuy nhiên theo lý giải của Cục Hàng không Việt Nam, đây là giai đoạn với tần suất khai thác chỉ 1 chuyến/tuần nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế đưa công dân về nước do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Sau khi dịch bệnh được khống chế và các bên tăng tần suất, số đường bay thì tiếp tục xem xét chỉ định các hãng hàng không khác.

Cục Hàng không đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu (Trung Quốc) - Đà Nẵng, Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội, Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) - TP HCM, Vientiane (Lào) - Quảng Ninh, Phnom Pênh (Campuchia) - Cần Thơ.

Về thời điểm mở lại đường bay quốc tế, sau khi thống nhất phương án, Bộ GTVT sẽ làm việc với các đối tác để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên. Dự kiến sớm nhất đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Trước đó, tại buổi toạ đàm với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hôm nay (13/7), CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành ước tính hãng lỗ ròng 13.000 tỷ đồng, dù thị trường nội địa đã dần phục hồi.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines từ tháng 4, Vietnam Airlines không còn chuyến bay chở khách thương mại quốc tế. Tính cả tháng, trung bình mỗi ngày hãng chỉ bay 4 chuyến. "Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam ít chuyến bay đến thế", ông Thành nói.

Đến tháng 6, thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines đã tăng bằng 84% năm ngoái nhưng doanh thu chưa phục hồi được. Ông Thành lý giải bởi trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines liên tục mở 18 đường bay nội địa mới phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn", CEO Vietnam Airlines nói.

Ông Thành nói, sở dĩ phải xin chủ sở hữu là Chính phủ hỗ trợ bởi cũng đã trao đổi với All Nippon Airways (ANA) – cổ đông nắm giữ 8,6% vốn của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cũng chung như các hãng hàng không toàn cầu, ANA thậm chí còn khó khăn hơn khi đang phải tìm cách vay 10 tỷ USD. Vì vậy, ANA không còn nguồn tiền cho Vietnam Airlines vay.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, là hãng hàng không quốc gia, ngoài nhiệm vụ chung, Vietnam Airlines còn phải phục vụ an ninh quốc phòng, vai trò Nhà nước giao phó, bay giải cứu, hồi hương ngày càng nhiều...

Cơ sở Vietnam Airlines xin hỗ trợ ngoài lý do nêu trên nhìn bình diện khách quan hãng hàng không này vẫn là doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước ghi nhận chiếm hơn 85%. Nếu Vietnam Airlines thua lỗ kéo dài phần thiệt hại chính là ngân sách.

Theo Tin tức Việt Nam

Link gốc : https://tintucvietnam.vn/de-xuat-chi-vietnam-airlines-duoc-bay-quoc-te-tro-lai-co-cong-bang-voi-hang-bay-tu-nhan-d243122.html

Bạn đang đọc bài viết Có công bằng với hãng bay tư nhân khi chỉ Vietnam Airlines được bay quốc tế trở lại? tại chuyên mục Dịch vụ hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ hàng không