Vốn điều lệ hiện tại của ABBank đạt gần 5.713 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn là Geleximco (12,99%), MayBank (20%) và IFC (10%) đang nắm giữ tổng cộng trên 42% vốn điều lệ ngân hàng. Trước đó, EVN đã thoái vốn “êm” tại ngân hàng An Bình (ABBank), nhưng điều bất ngờ là ông chủ đối tác mua lại phần vốn này của EVN lại chính là ông chủ của ABBank.
Tuy nhiên cổ đông có tiếng nói nhất trong ABBank có lẽ là Tập đoàn Geleximco thể hiện qua “lợi thế” về nhân sự cao cấp cũng như quan hệ “gắn kết” của thương hiệu “An Bình” và Geleximco.Geleximco hiện là cổ đông lớn thứ 2 của ABBank sau cổ đông chiến lược Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 20% vốn. Đặc biệt, nhiều đơn vị thành viên của Geleximco có sự gắn kết chặt chẽ với thương hiệu “An Bình” như CTCK An Bình (ABS), CTCP Bất động sản An Bình (ABLand), CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình (ABFG), Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình và nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Chủ tịch của Geleximco không ai khác chính là ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT ABBank. Cộng với 12,99% vốn mà Tập đoàn Geleximco nắm giữ tại ABBank thì tổng tỷ lệ cổ phần ông Tiền đang nắm giữ cùng những cá nhân, tổ chức liên quan lên tới 17,81%. Mặc dù từ nhiệm chức Chủ tịch từ năm 2018 nhưng Phó Chủ tịch Vũ Văn Tiền vẫn còn tầm ảnh hưởng rất lớn tại đây. Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông sáng lập Geleximco và điều hành công ty này từ năm 1992 cho đến nay.
Chân dung đại gia Vũ Văn Tiền |
Cụ thể hơn, vợ ông Tiền là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai sở hữu 0,17%. Ông Vũ Văn Hậu (em trai ông Tiền) sở hữu 1,99%. Ông Đào Mạnh Kháng (em rể ông Tiền) hiện đang là Chủ tịch HĐQT của ABBank nắm 0,81%. Bà Đỗ Hương Giang (em dâu ông Tiền) sở hữu 0,26%. Bà Vũ Thị Nhung (em gái ông Tiền) nắm 0,03%.
Như vậy, số lượng cổ phần ABBank do ông Vũ Văn Tiền và những người liên quan đang nắm giữ chiếm tỷ lệ 3,63% vốn ABBank.
Ngoài ra, công ty liên kết là Chứng khoán An Bình (ABS) đang nắm 0,58% vốn ABBank và Tập đoàn Đầu tư An Bình sở hữu 0,61%. Cộng với 12,99% vốn mà Tập đoàn Geleximco nắm giữ tại ABBank thì tổng tỷ lệ cổ phần ông Tiền đang nắm giữ cùng những cá nhân, tổ chức liên quan lên tới 17,81%.
Nhiều doanh nghiệp cũng có “liên quan” tới ABBank nhờ mối quan hệ với ông Vũ Văn Tiền. Hiện tại, ngoài ABBank, Geleximco, ông Tiền còn là lãnh đạo nhiều đơn vị khác. Cụ thể, ông Tiền là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán An Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi Măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giấy An Hòa.
Cặp bài trùng hai ông Vũ Văn Tiền - Đào Mạnh Kháng từng có thời gian cùng nhau lãnh đạo CTCP Quản lý quỹ An Bình (ABF). ABF và một số công ty quản lý quỹ khác như Bông Sen, Đối tác Toàn Cầu... từng là kênh trung gian, dẫn hàng nghìn tỷ đồng từ ABBank tới các dự án của Geleximco. Và cũng không thể không nhắc tới vai trò của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) - nơi Geleximco và các cá nhân, pháp nhân liên quan nắm cổ phần chi phối. ABS các năm gần đây đều đặn nhận khoảng 5-8.000 tỷ đồng vốn vay từ ABBank đi kèm lãi suất thấp, với mục đích được thuyết minh là hỗ trợ tín dụng các nhà đầu tư.
Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco cũng là một trong những “ông lớn” sở hữu nhiều dự án khủng với mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Không khó để thấy được, để Geleximco làm được các dự án lên đến số vốn ngàn tỷ đều có sự hậu thuẫn từ ngân hàng ABBank, và ABBank ngẫu nhiên trở thành “bệ đỡ” hỗ trợ đắc lực cho Tập đoàn Geleximco đầu tư các dự án này. Như vậy, thực chất mà nói đó là tiền đi vay của các ngân hàng. Khi ngân hàng trở thành sân sau của doanh nghiệp, thì việc "đi đêm" càng trở nên dễ dàng hơn, nhất là những ngân hàng và doanh nghiệp có cùng "hệ thống" người lãnh đạo.
Có thể thấy rằng, việc thôi chức Chủ tịch ABBank, thực tế, không đồng nghĩa rằng ông Tiền sẽ mất tầm ảnh hưởng tại nhà băng này. Mối quan hệ Geleximco – ABBank dĩ nhiên cũng không thể vì thế mà lỏng đi! Và, việc các ông chủ doanh nghiệp tham gia vào hệ thống tài chính theo các chuyên gia kinh tế chính là một trong những rào cản trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và gia tăng nợ xấu.