Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Nho Quan, Ninh Bình: Công ty Thành Nam lợi dụng dự án trang trại để khai thác đất

Tài chính Doanh nghiệp 15:31 21/01/2022

Hàng nghìn m3 đất tại khu Đồi Bòng, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan đã và đang bị Công ty Thành Nam khai thác vận chuyển đi tiêu thụ với danh nghĩa "cải tạo trang trại".

Đáng nói, hoạt động này diễn ra rầm rộ nhiều năm nay nhưng không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Thời gian gần đây, Tài chính Doanh nghiệp liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Thạch Bình huyện Nho Quan và xã Ngọc Lương (huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) về tình trạng hàng loạt xe tải chở đất chạy trên các tuyến đường dân sinh của xã. Những chiếc xe tải chở đất không được che chắn, gây bụi bặm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cả quả đồi bị Công ty Thành Nam khai thác nham nhở.

Cả quả đồi bị Công ty Thành Nam khai thác nham nhở.

Mục sở thị tại địa điểm được người dân phản ánh, tại đây hoạt động khai thác đang diễn ra khá rầm rộ. Có rất nhiều xe tải đang nối đuôi nhau chờ đến lượt vào đồi Bòng chở đất. Khu vực khai thác đất là nơi giáp danh giữa xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) với xã Thạch Bình (Nho Quan, Ninh Bình) sau khi khai thác tài nguyên đất các xe vận tải trở qua địa bàn Xã Ngọc Lương (Hòa Bình) san lấp và bán cho một số nhà máy gạch.

Được biết, địa điểm khai thác đất kể trên là dự án trang trại, được Công ty Thành Nam đầu tư thực hiện. Doanh nghiệp này được cấp phép hạ độ cao, san gạt mặt bằng, tức là lấy đất chỗ cao đổ vào chỗ thấp để tạo thành một mặt bằng trang trại. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp này đã lợi dụng dự án trang trại để khai thác đất đồi trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn đến đời sống của người dân xung quanh và đã nhiều năm nay, người dân chỉ thấy tình trạng doanh nghiệp này "khoét đồi" lấy đất đem đi bán chứ chưa thấy có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi nào.

Cũng theo người dân nơi đây, hoạt động khai thác, vận chuyển đem đất đi bán trái phép tại dự án trang trại của Công ty Thành Nam diễn ra rầm rộ nhiều năm nay nhưng không thấy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp nào ngăn chặn xử lý, làm thất thu ngân sách nhà nước, "chảy máu" tài nguyên quốc gia.

Đối với lĩnh vực khai thác hoặc tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên khoáng sản. Cụ thể:

Về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản: tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản”.

- Tại khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu như sau:

+ Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.

+ Trường hợp được áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.

Mức phí cụ thể của từng loại khoáng sản tại từng địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

- Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên...”.

Về thuế tài nguyên, tại Khoản 1 Điều 7 Luật thuế tài nguyên 2009 quy định khung thuế suất tài nguyên đối với Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 3-10%; đối với đất, trừ đá nung vôi và sản xuất xi măng; sỏi; cát, trừ cát làm thuỷ tinh là 5-15% và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, tại điểm 2.4 Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tài nguyên quy định:

“2.4. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công, không có giấy phép tài nguyên, nhưng trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác tiêu thụ (như nhận thầu nạo vét kênh, mương, hồ, đầm có phát sinh sản lượng cát, đất, bùn bán ra; khai thác đá dùng chế biến làm vật liệu xây dựng thi công công trình) thì đều phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương khai thác tài nguyên”.

Để rộng đường dư luận, PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ với UBND xã Thạch Bình và UBND huyện Nho Quan. Tuy nhiên, sau nhiều ngày cả hai đơn vị này đều liên tục báo bận

Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình vào cuộc kiểm tra.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh; Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép và việc chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, như: chậm đưa mỏ vào khai thác; khai thác chưa phù hợp với thiết kế mỏ đã lập và phê duyệt, chưa cắt tầng, trên đỉnh và sườn tầng còn để lại đá treo, hàm ếch tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế khai thác: chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định; nộp ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ (đặc biệt đối với khoản thu về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); xe vận chuyển quá tải trọng quy định, phóng nhanh gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Đối với các doanh nghiệp nếu có vi phạm trong quá trình khai thác UBND tỉnh sẽ không cấp mỏ, không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nho-quan-ninh-binh-cong-ty-thanh-nam-loi-dung-du-an-trang-trai-de-khai-thac-dat-d26388.html

Bạn đang đọc bài viết Nho Quan, Ninh Bình: Công ty Thành Nam lợi dụng dự án trang trại để khai thác đất tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật