Hôm nay (18/5), Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) xét xử 8 bị cáo trong vụ án thất thoát 939 tỷ đồng tại 3 khu đất quốc phòng. HĐXX gồm 5 sĩ quan, do Đại tá Lê Thành Nam làm chủ tọa; giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử gồm 4 sĩ quan của Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) QCHQ. Ngoài 8 bị cáo, tòa án triệu tập nhiều đương sự, trong đó QCHQ được xác định là bị hại.

Tại tòa, có 4 người bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm Bùi Như Thiềm - Đại tá, nguyên Trưởng phòng kinh tế QCHQ; Bùi Văn Nga - Đại tá, nguyên GĐ Cty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành (Cty Hải Thành); Đoàn Mạnh Thảo - Đại tá, nguyên Trưởng phòng Tài chính QCHQ; Trần Trọng Tuấn - Đại tá, nguyên Phó GĐ Cty Hải Thành. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến - Đô đốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh QCHQ bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Có 3 bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm Đinh Ngọc Hệ - nguyên Thượng tá, nguyên Phó TGĐ Cty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Cty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; Phạm Văn Diệt - nguyên GĐ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Cty Yên Khánh); Vũ Thị Hoan - GĐ Cty Yên Khánh. Cả ba còn bị Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” trong một vụ án khác. Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ đã bị Tòa án quân sự Trung ương phạt 12 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Không nộp tiền đất

Theo cáo trạng, các bị cáo thuộc QCHQ và Cty Hải Thành (thuộc QCHQ) đã chuyển đổi 3 khu đất quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng (TPHCM) sang đất kinh tế trong 49 năm không đúng quy định. Cụ thể, tại khu đất số 2 rộng 1.215m2, các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm đã đồng ý cho Cty Hải Thành mang đi góp vốn cùng Cty Cảnh Hưng để xây cao ốc. Các bên thỏa thuận, Cty Hải Thành góp vốn bằng đất thời hạn 49 năm; Cty Cảnh Hưng trả cho Hải Thành một khoản thu tăng dần từ 55.000 USD trong năm đầu lên tới 478.000 USD vào năm thứ 49.

Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), năm 2007, bị cáo Đoàn Mạnh Thảo trình văn bản cho Tư lệnh Nguyễn Văn Hiến ký, gửi UBND TPHCM, nội dung: “Việc nộp số tiền chuyển quyền sử dụng khu đất số 2 trị giá 187 tỷ đồng là khó khăn với kinh phí của Bộ tư lệnh Hải quân và Cty Hải Thành. Đề nghị UBND TPHCM cho ghi thu, ghi chi số tiền này vào thẳng tài khoản của QCHQ”. Trên thực tế, khu đất số 2 hiện nay đã được xây dựng thành tòa nhà 31 tầng nhưng Cty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số 187 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Tương tự, QCHQ cũng cho Cty Hải Thành mang khu đất số 9 - 11 (rộng 2.087m2) đi liên doanh với Cty Mai Anh để xây dựng một tòa nhà 34 tầng, hoàn thiện năm 2013. Các bên thỏa thuận, Cty Mai Anh trả cho Cty Hải Thành hơn 115.000 USD/năm, trong thời gian 49 năm. Để được cấp sổ đỏ, CQHQ cũng xin TPHCM cho “ghi thu, ghi chi” thẳng hơn 248 tỷ đồng là tiền giá trị quyền sử dụng đất tại số 9-11. Hải Thành đến nay chưa nộp khoản này và thậm chí, Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu xác định: “Không có số tiền nói trên mà chỉ xác định về giá trị quyền sử dụng đất”.

Út “trọc” chiếm đất quốc phòng

Cũng theo VKSQS, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”) lập Cty Yên Khánh, cho Vũ Thị Hoan - cô sinh viên năm nhất làm giám đốc. Năm 2006, Út “trọc” đề nghị cho Cty Yên Khánh liên doanh với Cty Hải Thành để xây dựng cao ốc tại khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng. Năm 2009, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng vì bị cáo Nguyễn Văn Hiến thiếu kiểm tra nên sau đó, Cty Hải Thành vẫn ký hợp đồng liên doanh, góp vốn bằng khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng trong 49 năm (trị giá hơn 503 tỷ đồng).

Khu đất số 7 - 9, nơi cơ quan truy tố xác định Ðinh Ngọc Hệ chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân Ảnh: Duy Quang

Năm 2010, khi TPHCM cấp sổ đỏ khu đất cho Cty Hải Thành, bị cáo Phạm Văn Diệt (nhân viên của Đinh Ngọc Hệ) đã lấy về rồi chuyển tên chủ sở hữu sang liên doanh là Cty Yên Khánh Hải Thành và cất giữ sổ đỏ này tại Cty Yên Khánh. Có được khu đất, Út “trọc” cho doanh nghiệp khác thuê lại hoặc để người khác làm bãi gửi xe. Ông Hệ cũng chỉ đạo Vũ Thị Hoan mang khu đất đi thế chấp tại ngân hàng BIDV để các Cty của mình vay tiền.

Ngân hàng xác định giá trị khu đất là hơn 717 tỷ đồng và trong đó, Cty Yên Khánh được nhận bảo lãnh 40% giá trị tài sản thế chấp để mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương; Cty CP BOT Việt Trì nhận 10% để xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT; Cty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20 nhận bảo lãnh 8%... Cơ quan truy tố cho rằng, Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng sự chủ quan, kém hiểu biết pháp luật của một số cán bộ QCHQ và sự buông lỏng quản lý đất đai của TPHCM để lừa đảo, chiếm đoạt khu đất số 7 - 9.