... như tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến, chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh.
Cơ quan kiểm toán cho rằng, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh ký gửi Quốc hội vừa qua đã thông tin về kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn của dư luận tại các lần kiểm toán trước đây.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư đã lộ nhiều vi phạm.
Trong nhiều dự án, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, điều kiện giải ngân, thanh toán phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án và phần vốn vay của nhà đầu tư tại hợp đồng BOT chưa nêu cụ thể. Hợp đồng BOT quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40%, tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện không đúng quy định.
Trường hợp dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ sai phạm: Một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT.
Tại dự án này, chi phí sửa chữa thường xuyên cũng chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp. Kiểm toán chỉ rõ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính; chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh. Đơn cử, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.
Kiểm toán cho biết thêm, khi dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi, ảnh hưởng đến tính khả thi dự án, các bên chưa xem xét, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Dù đã đưa dự án vào vận hành, nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Được biết, ở phía Bắc, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả đang tham gia nghiên cứu dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km, tổng mức đầu tư hơn 20.900 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn dài 52 km, đoạn qua tỉnh Cao Bằng dài 63 km.
Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 2024, đầu tư khoảng 93 km với quy mô nền đường 17 m từ Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Giai đoạn 2 sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Trước đó vào 5/2021, dù thua lỗ, Đèo Cả vẫn đề xuất làm tuyến đường An Hữu- Cao Lãnh khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả (DeoCa Group) là một trong những doanh nghiệp lớn đang triển khai nhiều dự án BOT, BT tại Việt Nam với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả tái cơ cấu tập trung các dự án BOT của mình vào chung một thành viên của tập đoàn là Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Hamadeco).
Đèo Cả được ví là "trùm" BOT khi sở hữu nhiều trạm BOT và các công trình hầm đường bộ BOT Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông. Mới đây, đơn vị này nằm trong liên danh trúng thầu cao tốc Câm Lâm - Vĩnh Hảo 8.900 tỷ đồng.
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là đơn vị tài trợ nguồn vốn chủ yếu cho các dự án hạ tầng của Tập đoàn Đèo Cả. Các tài sản đảm bảo của dự án, bao gồm các quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí, quyền tiếp nhận máy móc thiết bị, các động sản,… thuộc dự án đều được thế chấp tại Vietinbank.