Hơn 20 năm mòn mỏi với quy hoạch “treo”
Hàng chục hộ dân sống tạm bợ trên mảnh đất của mình bị quy hoạch làm công trình công cộng đã hơn 10 năm, cho đến năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4107 phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đầu tư xây dựng trường THCS Quyết Thắng 2 tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo quyết định này, dự kiến sẽ thu hồi hơn 7.200m2 của 26 hộ, phải tái định cư là 7 hộ (giải tỏa trắng). Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP Biên Hòa được phân công thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa.
Gần một năm sau, UBND tỉnh tiếp tục ra thêm Quyết định 2694 về việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư dự án xây Trường THCS Quyết Thắng 2 (lúc này đã thay tên thành dự án đầu tư Trường THCS Ngô Nhơn Tịnh). Đồng thời, tiếp tục gia hạn hiệu lực quyết định giới thiệu địa điểm năm 2008 đến hết năm 2009.
Sau hàng loạt quyết định của tỉnh, UBND TP Biên Hòa cũng ban hành các quyết định thu hồi đất trong phạm vi dự án (năm 2010) nhưng chẳng một hộ dân nào nhận được tiền bồi thường. Theo thông tin của Ban QLDA TP Biên Hòa (chủ đầu tư dự án), vì không được bố trí vốn nên dự án chỉ nằm trên giấy, phương án bồi thường chưa phê duyệt… Nói cách khác, từ 2010 đến giữa năm 2016, vì không có kinh phí nên tạm dừng dự án. Xa hơn, theo một tài liệu của TP Biên Hòa, kế hoạch bố trí vốn trung hạn năm 2016 – 2020, dự án Trường THCS Ngôn Nhơn Tịnh cũng không được bố trí vốn. Vậy, nếu thực hiện dự án làm phải ít nhất sau năm 2020.
Dự án tiếp tục “treo”, đồng nghĩa với việc hàng chục hộ dân tiếp tục sống trong mòn mỏi sau hàng loạt quyết định của tỉnh ban hành cho dự án.
Kể lại những tháng ngày sống chung với quy hoạch treo, ông Hà Đăng Tri (85 tuổi - một hộ dân sống trong dự án “treo”) không khỏi rùng mình. Ông kể: “Bao năm qua, tôi và các hộ dân bị thu hồi đất ở khu vực này không thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Cứ vào mùa mưa khu vực này thường xuyên ngập úng bởi không có cống thoát. Nhà cửa hư hỏng, các hộ dân xin sửa chữa nhà cũng không được giải quyết. Nếu TP Biên Hòa không bố trí vốn để tiếp tục thực hiện dự án, tại sao không hủy bỏ để người dân an tâm sinh sống?”.
Đến giữa năm 2016, nhận thấy nhiều bất cập trong việc thực hiện dự án Trường THCS Ngô Nhơn Tịnh, tình trạng dự án “treo” gần 20 năm đã xảy ra bao hệ lụy ngay giữa trung tâm TP Biên Hòa… nên UBND tỉnh Đồng Nai đã phải ban hành Quyết định số 2150 hủy bỏ hai Quyết định 4107 và 2694 của tỉnh trước kia.
Đến đây, người người thở phào sau hai chục năm ròng sống trong cảnh nhấp nhổm, không biết đi ở ngày nào, mọi người chuẩn bị sẵn hồ sơ để làm sổ đỏ, sửa chữa nhà cửa..
Trên hủy, dưới vẫn thu hồi
Theo Quyết định 2150 của UBND tỉnh Đồng Nai, lý do hủy bỏ là dự án đã được thỏa thuận địa điểm từ năm 2008 đến nay (năm 2016) chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của TP Biên Hòa và không có trong kế hoạch bố trí vốn trung hạn giai đoạn năm 2016 – 2020.
Từ những lý do trên, quyết định “hủy bỏ” cũng đề nghị UBND TP.Biên Hòa và các sở ngành liên quan thông báo rộng rãi đến các tổ chức cá nhân và hủy bỏ các quyết định thu hồi đất, phê huyệt phương án bồi thường thuộc thẩm quyền của UBND TP Biên Hòa… Cần nói thêm, quyết định này do ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký.
Tuy nhiên, dường như Quyết định 2150 hủy bỏ dự án đầu tư Trường THCS Ngô Nhơn Tịnh của UBND tỉnh Đồng Nai không có “hiệu lực” với UBND TP Biên Hòa. Thông tin từ cơ quan chức năng, gần một năm sau khi dự án bị tỉnh hủy bỏ, năm 2017, TP Biên Hòa lại chấp nhận thỏa thuận địa điểm cho Ban quản lý dự án Biên Hòa. Mặt khác, HĐND TP Biên Hòa đã có nghị quyết bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020) cho dự án. Nói cách khác, dự án “treo” vẫn còn nguyên, đồng thời Biên Hòa đã nhanh tay “bịt” luôn lỗ hổng trong việc bố trí vốn trung hạn mà tỉnh đã nêu căn cứ tại Quyết định 2150.
Tiếp theo, UBND TP Biên Hòa ban hành các văn bản thu hồi đất, khảo sát, kiểm đếm… và thông báo thu hồi đất để triển khai dự án.
Chưa vơi nỗi bức xúc vì quy hoạch “treo” nhiều năm và những khuất tất trong việc thực hiện dự án của TP.Biên Hòa, nay, các hộ dân lại thêm nỗi bức xúc khi thấy trình tự, thủ tục, giá bồi thường, tái định cư của dự án trường học thiếu minh bạch.
Bồi thường tùy tiện
Tiếp xúc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN), ông Hà Đăng Tri (thường trú tại địa chỉ 160/40/3C đường Cách Mạng Tháng 8, khu phố 3, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) không giấu nổi nỗi bức xúc. Bản thân là một cựu chiến binh với 55 năm tuổi Đảng, ông Tri luôn nghiêm túc chấp hành mọi quy định của pháp luật, cũng là tấm gương về giáo dục và thực hành đạo đức tại địa phương. Đó cũng là lí do tại sao ông cực kỳ bất ngờ khi quyền và lợi ích của bản thân lại bị xâm phạm một cách trắng trợn.
Theo nội dung đơn thư phản ánh kết hợp với ghi nhận trực tiếp, ông Hà Đăng Tri là chủ sở hữu thửa đất số 07, tờ bản đồ số 10, có diện tích 1150,5m2 (nay tách thành 02 thửa có số 182 và 183 liền nhau, thuộc tờ bản đồ số 10). Thửa đất trên được gia đình ông mua lại từ người khác từ năm 1988, có nguồn gốc rõ ràng, đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp sổ hồng vào năm 2003. Đất có mục đích sử dụng là đất ở đô thị lâu dài. Căn nhà ông Tri và các con cháu (5 người con, cháu) đang cùng sinh sống cũng được xây dựng trên chính thửa đất này.
Theo đó, một phần đất có diện tích 585m2 của ông Tri nằm trong diện đất thu hồi có đền bù. Tuy nhiên, quá trình định giá đền bù đất làm ông hoàn toàn thất vọng. Ông Tri cho biết, diện tích 585m2 bị thu hồi của gia đình ông lại được đền bù theo diện đất nông nghiệp với mức giá 2.100.000đ/m2 (hai triệu một trăm ngàn đồng trên một mét vuông). Điều này là hoàn toàn phi lý và bất công với gia đình người cựu chiến binh.
Vừa chìa ra xấp Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, ông nói: “Bao nhiêu năm qua, gia đình tôi đóng thuế đất ở, nay họ lại đền bù cho tôi đất nông nghiệp. Thật ngược đời!. Nhìn sấp biên lai thu thuế ghi rõ: “đất ở tại đô thị, mức đóng 4.625.800 đồng năm 2019", "Tại buổi họp dân, khi tôi đưa biên lai đóng thuế, họ (bên thu hồi đất - PV) nói bên thu thuế không liên quan. Tôi hỏi lại, vậy là hiện có hai hay một chính quyền. Họ không trả lời”.
Nhẩm tính, theo bảng giá đất của tỉnh Đồng Nai hiện hành, ông Tri đã bị thiệt hại cả chục lần với cách tính của TP Biên Hòa khi giá bồi thường đất ở trên dưới 20 triệu đồng/m2. Ở đây cũng cần công khai làm rõ việc còn hay không đất nông nghiệp tại phạm vi dự án, bởi theo chúng tôi, vị trí này không còn đất nông nghiệp?
Chưa hết, theo ông Tri, từ khi từ án tiến hành kiểm đếm và ra mức bồi thường, ông không hề nhận được một văn bản nào liên quan đến thu hồi đất, bồi thường… Do không đồng ý với mức bồi thường rẻ mạt ông Tri yêu cầu phía bồi thường cung cấp các quyết định thu hồi đất, bồi thường… của gia đình ông, để làm cơ sở khiếu nại. Phía bồi thường ra điều kiện ông phải ký nhận tiền mới cung cấp quyết định. “Tôi đã ba lần từ chối không ký nhận tiền bồi thường, tôi thấy nó giống như cái bẫy. Ký chấp thuận rồi làm sao khiếu nại?” – ông Tri nói.
Một dự án đầy khuất tất, ậm ạch hơn 20 năm, làm khốn đốn bao hộ dân nhưng TP Biên Hòa vẫn quyết giữ đang là một câu hỏi. Phải chăng, đằng sau dự án trường học là một nhóm lợi ích, mượn chính sách thu hồi đất để trục lợi? Báo PLVN sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Theo Pháp luật plus