Trump Organization đối mặt với nguy cơ bị siết điều khoản cho vay hoặc phải bán bớt tài sản để có tiền mặt.
Công ty của gia đình Trump phải xử lý hơn 400 triệu USD nợ sắp đáo hạn trong bối cảnh bất động sản gặp khó vì suy thoái kinh tế. Tính trạng tài chính của công ty này có thể còn gặp nhiều thách thức hơn nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, do sự phức tạp, khó khăn về đạo đức và rắc rối chính trị khi cho vay một tổng thống đương nhiệm.
Nếu so với khối tài sản chất lượng cao hiện có, khối nợ của Trump Organization không hề nặng nề. Công ty này cũng vẫn đang tạo ra dòng tiền lớn từ hoạt động kinh doanh và bán tài sản. Tuy nhiên, thị trường cho vay bất động sản thương mại đang gặp khó.
"Vốn vẫn sẵn sàng cho các thương vụ phù hợp. Nhưng môi trường đang ngày càng nhiều thách thức hơn", Steven Buchwald - Giám đốc Mission Capital Advisors nhận xét. Công ty của ông chuyên giúp thu xếp tài chính cho các thương vụ bất động sản thương mại.
Lối vào khách sạn Trump International ở Washington hôm 16/3.Ảnh: Reuters |
Các thương vụ phải vay nợ của Trump có thể khiến ông chịu nhiều sự dò xét hơn từ các đối thủ nếu tái đắc cử. Đảng Dân chủ cho biết khối nợ này có thể tác động đến cách Trump điều hành kinh tế. Họ từng nêu ra vấn đề tài chính của tổng thống sau khi New York Times công bố hồ sơ thuế và các khoản nợ mà Trump đứng ra bảo lãnh.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thì từng gọi các khoản nợ của Trump Organization là vấn đề an ninh quốc gia. Trong khi đó, công ty bác bỏ các lo ngại này, khẳng định ông Trump không tham gia quyết định các vấn đề kinh doanh khi làm tổng thống, dù sở hữu gần như toàn bộ tài sản tại đây.
WSJ cho biết có rất ít tổ chức tài chính sẵn sàng làm việc với Trump từ trước khi ông đắc cử, do lịch sử tài chính phức tạp của Tổng thống Mỹ. Hai nhà băng sẵn sàng làm điều này, Deutsche Bank và Ladder Capital Corp, thì gần đây đều đang gặp rắc rối, khiến họ khó cho vay hơn.
Một thách thức khác đến từ chính tài sản của Trump Organization. Các tòa nhà văn phòng của công ty này tập trung ở Manhattan - khu vực chịu tác động mạnh của đại dịch và đang chật vật phục hồi. Các sân golf và khách sạn cũng bị ảnh hưởng vì khách du lịch giảm sút, các lệnh phong tỏa và kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Một trong những khoản nợ đầu tiên sắp đáo hạn là 100 triệu USD của Trump Tower, vào tháng 9/2022. Các khoản nợ khác gắn với các mảng kinh doanh khác, như khách sạn hay sân golf, vốn cũng đang chịu tác động mạnh của đại dịch. Deutsche Bank đã cho vay 125 triệu USD cho Trump National Doral Miami golf resort, đáo hạn năm 2023 và 170 triệu USD cho Trump International Hotel ở Washington, đáo hạn năm 2024.
Việc Trump vẫn giữ quyền sở hữu với doanh nghiệp khi là Tổng thống từ lâu đã bị nhiều người chỉ trích. Họ lo ngại ông có thể ra quyết định có lợi cho bản thân và tổ chức cho vay cũng có thể có động cơ khác khi Trump còn ở Nhà Trắng. "Những người sẵn sàng bơm tiền để tái cấp vốn các khoản nợ của Trump là những người không thực sự quan tâm đến tiền", Richard Painter - cựu luật sư tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết, "Vì họ muốn thứ khác từ Donald Trump".
Trump Organization thì cho biết công ty này đã nỗ lực giảm xung đột lợi ích, như quyên góp lợi nhuận từ các chính phủ nước ngoài cho Bộ Tài chính Mỹ. Họ cũng không lo lắng về khối nợ hiện tại. Eric Trump - người điều hành các hoạt động thường ngày của công ty khi cha làm Tổng thống Mỹ - cho biết quản lý nợ là ưu tiên hàng đầu của họ. "Chúng tôi sẽ không bao giờ là công ty gánh khối nợ lớn", Eric Trump cho biết hồi giữa năm.
Vài năm gần đây, nhà Trump đã có thêm hàng chục triệu USD từ việc bán tài sản. Số liệu từ hồ sơ vay cho thấy một số tài sản giá trị cao của Trump hoạt động không như kỳ vọng trong thời gian ông làm Tổng thống. Theo hãng nghiên cứu Trepp, dòng tiền thuần từ các bất động sản thương mại của nhà Trump có thể chỉ đạt 12 triệu USD năm nay. Tỷ lệ lấp đầy chỉ là 82%.
Vì thu nhập từ các bất động sản này là yếu tố quyết định chính về quy mô khoản vay, Trump Organization có thể phải giảm vay nợ và tập trung hơn vào cổ phiếu.
Các khoản vay của Trump khiến nhiều nhà đầu tư tại Wall Street lo ngại, trong đó có các quỹ lớn như Fidelity Investments, Vanguard Group, Neuberger Berman Group, TIAA, Morningstar. Họ đã tham gia vào 6 thương vụ trái phiếu, trong đó có cả các khoản vay của Trump.
Bất động sản bị giảm định giá cũng ảnh hưởng đến các tổ chức cho vay như Ladder. Đầu năm nay, họ đã bị yêu cầu bổ sung ký quỹ, khiến công ty phải giảm vay ngắn hạn, bán bớt các khoản vay và phát hành thêm cổ phiếu để có tiền mặt. Hồi tháng 7, CEO Brian Harris cho biết công ty này đang chuẩn bị "cho một đợt suy thoái mạnh sẽ kéo dài một năm".
Deutsche Bank - một tổ chức cho vay lớn khác với công ty của Trump - năm 2016 từng từ chối đề nghị của Trump (khi đó còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ) về việc tăng cho vay Trump National Doral Miami. Gần đây, nhà băng này lại gặp rắc rối pháp lý với giới chức Mỹ. Hồi tháng 7, họ bị phạt 150 triệu USD vì một số sai sót về quản trị. Deutsche Bank còn đang bị giám sát chặt với hoạt động kiểm soát rửa tiền.
Trump Organization từng có nhiều cuộc nói chuyện với nhà băng Đức nhiều lần hồi đầu năm nay về khả năng giãn nợ khi đại dịch xuất hiện. Dù vậy, kết quả của các cuộc đàm phán này không được tiết lộ.
Hà Thu (theo WSJ)