Theo Thủ tướng, thời gian qua, các địa phương, nhất là 15 địa phương có ca mắc gồm Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Hải Dương và một số địa phương khác đã phối hợp với ngành y tế, các cấp, các ngành để chỉ đạo triển khai phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm. Đến nay, đã 9 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, vừa đẩy mạnh sản xuất đã được thực hiện, đạt kết quả bước đầu. Đến nay, các địa phương, kể cả Đà Nẵng đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường.
Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa. Cho nên, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp bộ, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép. Phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt "thông điệp 5K" - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Các địa phương cần phải tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch tại cơ sở.
Thủ tướng nhấn mạnh "tinh thần mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan". Phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư. Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, diễn tập, hướng dẫn các biện pháp ứng phó với tình huống xảy ra dịch bệnh ở những khu vực này.
Sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn. Các địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại giao thương, không "ngăn sông cấm chợ".
Bộ Y tế phải phối hợp các bộ, ngành phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời phải theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở đường bay thương mại quốc tế. Ngành y tế, ở cả Trung ương và địa phương chủ động, có biện pháp thần tốc khi phát hiện ca dương tính mới.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa cho các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp, các hướng dẫn khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho ngươi được nhập cảnh. Tăng tần suất chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam.
Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí, chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội khi cần thiết.UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện cách ly có thu phí. Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới. Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.
Về vấn đề thu tiền xét nghiệm còn có nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng đề nghị VPCP chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xác định mức phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi có bệnh lý nền, khuyến khích khai báo y tế tự nguyện, cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cư trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động, người nhập cảnh trái phép.
Các bộ, ban, ngành, các địa phương, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ở các cửa khẩu tạo thuận lợi nhất về thủ tục cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam với thủ tục nhanh, gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm.
"Chúng ta nói mở cửa thì thủ tục phải thuận lợi, còn sau đó thì Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, các địa phương cách ly và xét nghiệm theo phương thức phù hợp", Thủ tướng nói. Ngoài các cơ quan truyền thông, báo chí, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền cho nhân dân về thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế xã hội, không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế là yêu cầu quan trọng hiện nay, đồng thời không mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh. Tiếp tục phát huy triển khai công việc theo hình thức trực tuyến trên môi trường mạng.
Thủ tướng nhắc lại việc tạo thuận lợi cho người dân giao thương, không gây khó khăn, chậm trễ như một số trường hợp vừa qua, không để tình trạng chỉ lo phòng, chống dịch bệnh mà không lo phát triển sản xuất kinh tế.
Về gói hỗ trợ an sinh, Thủ tướng đề nghị sớm trình Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của gói này, trong đó có việc kéo dài thời gian.
Dẫn dự báo cho rằng ở khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam tăng trưởng dương, Thủ tướng nêu rõ, đây là thử thách rất lớn, do đó, chống dịch nhưng phải lo phát triển kinh tế.