Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ vải thiều chính vụ 2021.
Xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, vụ mùa 2021, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, người trồng vải Bắc Giang phải tiêu thụ nốt khoảng 20 ngàn tấn vải chín sớm và từ 10/6/2021, toàn tỉnh bắt tay vào thu hoạch, tiêu thụ vải thiều chính vụ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, tính đến ngày 31/5/2021, toàn tỉnh thu hoạch được gần 20 ngàn tấn vải sớm, đạt khoảng 50%. Trong số 20 ngàn tấn vải chín sớm, Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 7 ngàn tấn, Nhật Bản: 30 tấn.
Do năm nay được mùa nên vải thiều chính vụ Bắc Giang có sản lượng tới 140 ngàn tấn. Do đặc tính chín nhanh, đồng loạt, dễ lên men, khó bảo quản... việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều phải được thực hiện cấp tập trong 1 tháng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, năm nay, Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa (70%, tăng 20% so với các năm trước). Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ trái vải gặp không ít khó khăn.
Do dịch bệnh, nhân lực thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ hiện nay rất khan hiếm. Lao động tại các huyện trong tỉnh Bắc Giang bị phong tỏa, không đến thu hoạch được; lao động từ một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh,… cũng không đến làm thuê cho các xưởng sản xuất đá cây, thùng xốp...
Việc thực hiện cách ly và giãn cách xã hội tại một số địa phương trong tỉnh; đồng thời, tạm dừng các hoạt động của nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể,… nên nhu cầu nông sản, thực phẩm giảm; các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển.
Hơn nữa, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly 21 ngày nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản.
Đặc biệt, xe container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao do nhiều lái xe lo ngại việc phải thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ Bắc Giang trở về.
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều cụ thể. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh: Tập trung kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các vùng sản xuất vải thiều tập trung như: Lục Ngạn, Tân Yên sạch bệnh Covid-19 đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều.
Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố có xác nhận lô hàng vải thiều và lô hàng nông sản an toàn dịch bệnh, bao gồm: hàng hóa được sản xuất trong vùng an toàn dịch bệnh; sơ chế, đóng gói tại các cơ sở an toàn dịch bệnh; phương tiện vận chuyển được phun khử khuẩn; lái xe và chủ hàng được xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều. Kịnh bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn).
Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn, 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa: Hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước.
Đồng thời, tỉnh cũng đã chủ động các phương án chế biến, bảo quản như xây dựng lò sấy khô trong trường hợp nông sản tiêu thụ khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.273 lò sấy vải và 729 lò sấy đang xây dựng, dự kiến công suất sấy được từ 45.000-50.000 tấn vải tươi.
Chung tay đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang gần 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và thị trường các nước như: Mỹ, Úc, EU, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Khu vực Trung Đông...
Đối với xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các lô vải thiều xuất khẩu đều được phía Nhật Bản kiểm tra 100% đạt yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao và tin tưởng lựa chọn với giá bán rất cao.
Đặc biệt, ngày 12/3/2021, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, là điều kiện thuận lợi để vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Đến nay, Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được 40 tấn vải thiều tươi, dự kiến từ nay đến cuối vụ xuất khẩu được từ 300 đến 400 tấn. Giá bán tại hệ thống siêu thị Aeon và một số điểm bán tại thị trường Nhật Bản có giá dao động từ 1.650 yên - 1.800 yên (từ 350.000-400.000đ/kg) và được bán gần hết ngay từ những ngày đầu tiên.
Năm nay, Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa (70%, tăng 20% so với các năm trước). Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, vải thiều của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ ở 63 tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... và có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn, Trung tâm thương mại, Cửa hàng tiện ích, Chợ đầu mối và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), để hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại đã cam kết vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.
Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Big C và Go! khu vực miền Bắc (thuộc Central Retail) cho biết: Chuỗi siêu thị Big C và GO! đang tập trung thu mua vải của Bắc Giang, trưng bày ở những địa điểm dễ nhìn thấy. Ngoài ra, hệ thống siêu thị cũng đẩy mạnh chương trình kích cầu, bán hàng qua mạng để tăng lượng vải tiêu thụ đến người tiêu dùng.
Các hệ thống tiêu thị trung tâm thương mại lớn như BRG Mart, Co.op Mart Hà Nội, MM Mega Market, Vinmart… cũng đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ vải thiều cho nông dân Bắc Giang. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm cũng đã "xắn tay" vào cuộc. Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao đã đẩy mạnh thu mua vải thiều, trung bình mỗi ngày đưa khoảng 200-250 tấn vải vào chế biến thành các sản phẩm đóng hộp.
Đây là hình thức hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả bởi hiện nay, ngoài nhu cầu bán quả tươi để ăn, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thu mua để chế biến, đóng hộp, sấy khô… là rất quan trọng, rút ngắn hành trình tiêu thụ 140 ngàn tấn vải thiều của nông dân Bắc Giang.