Như Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã thông tin, thời gian qua, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về một trường hợp làm giả giấy chứng nhận hợp chuẩn theo quy trình VietGap. Giấy chứng nhận mà bạn đọc cung cấp cho tòa soạn mang tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh (địa chỉ tại 112 Đường 11, khu phố 4, Phường Phước Bình, Quận 9, TP. HCM).
Theo hình ảnh giấy chứng nhận (đã được xác nhận là giả) mà bạn đọc cung cấp cho tòa soạn, quy trình thực hành sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh được chứng nhận phù hợp với TCVN 4653/QĐ-BNN-CN thực hành tốt quy trình chăn nuôi (VietGap).
Hình ảnh bạn đọc cung cấp cho thấy giấy chứng nhận được cấp bởi Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định TPP. Tuy nhiên, khi phóng viên Chất lượng Việt Nam Online liên hệ xác minh, đại diện của TPP cho biết, công ty này không có năng lực và không được phép tiến hành chứng nhận VietGap về lĩnh vực chăn nuôi.
Thêm vào đó, TPP cũng không cấp chứng nhận cho doanh nghiệp nào có tên là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh. Điều này đồng nghĩa với việc giấy chứng nhận mà bạn đọc cung cấp (mang tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Thái Anh) là giả, không có hiệu lực.
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã liên hệ tới Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) để có thêm thông tin. Theo một vị đại diện của Cục Chăn nuôi, hiện nay, việc chỉ định tổ chức chứng nhận Vietgap chăn nuôi đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2012 và Thông tư số 06/2018/TT-BNNPTNT ngày 21/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT.
Về cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP Chăn nuôi, theo khoản 3 Điều 4 Thông tư số 48 quy định, Cục Chăn nuôi là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi. Cục Chăn nuôi hiện đã thẩm định và cấp chứng nhận Vietgap cho 19 đơn vị, trong đó ko có đơn vị nào có tên là Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định TPP.
Về hồ sơ đăng ký để chỉ định, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu chặt chẽ. Theo đó, cần phải có: Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (bản sao có chứng thực hoặc bản photocopy có bản chính để đối chiếu);
Sổ tay chất lượng được ban hành phù hợp với TCVN 7457:2004, bao gồm hướng dẫn về hồ sơ đăng ký; trình tự, thời gian đánh giá, cấp, cấp lại, gia hạn, mở rộng phạm vi Giấy chứng nhận VietGAP; giám sát sau chứng nhận; cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận VietGAP; tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan khác;
Mẫu Giấy chứng nhận VietGAP của tổ chức chứng nhận có nội dung phù hợp với hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; Danh sách chuyên gia đánh giá theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này kèm theo bản sao bằng, chứng chỉ đào tạo chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư này; Kết quả hoạt động chứng nhận đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký (nếu có).
Về Điều kiện đối với chuyên gia (cụ thể là điều kiện đối với chuyên gia đánh giá) cần: Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, thú y thủy sản, sinh học đối với lĩnh vực thủy sản; [12] chăn nuôi, thú y, sinh học đối với lĩnh vực chăn nuôi; Có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực được đánh giá ít nhất 02 năm liên tục; Có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ đánh giá VietGAP theo lĩnh vực tương ứng do cơ quan chỉ định cấp; Có năng lực đánh giá đáp ứng quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 19011:2003 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 19011:2002 - Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và/hoặc hệ thống quản lý môi trường;
Có chứng chỉ đào tạo TCVN ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2008 hoặc các phiên bản của ISO 9001 - Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu trong trường hợp đánh giá cơ sở sản xuất nhiều thành viên do đơn vị trong nước hoặc nước ngoài có chức năng, nhiệm vụ về đào tạo chứng chỉ này cấp (gọi chung là TCVN ISO 9001:2008 ).
Tổ chức chứng nhận phải có tối thiểu 01 (một) chuyên gia đánh giá đáp ứng đầy đủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đối với các chuyên gia đánh giá còn lại nếu tốt nghiệp đại học lĩnh vực này muốn làm chuyên gia đánh giá lĩnh vực mới phải bổ sung chứng chỉ đào tạo chuyên môn kỹ thuật về lĩnh vực mới đó do các trường đại học chuyên ngành cấp theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan chỉ định và giám sát (cơ quan chỉ định);
Chuyên gia đánh giá đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tổ chức chứng nhận cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Mỗi lĩnh vực chứng nhận phải có tối thiểu 02 chuyên gia
Bên cạnh đó, theo vị đại diện Cục Chăn nuôi, tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận Vietgap chăn nuôi chuẩn bị Hồ sơ như trên và thực hiện theo quy trình gồm: Tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về cơ quan chỉ định quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Cơ quan chỉ định tiếp nhận hồ sơ, xem xét và hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ (trong trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp) hoặc trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ (trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ thông qua đường bưu điện). Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan chỉ định thành lập đoàn đánh giá và tiến hành đánh giá theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.
Đoàn đánh giá gửi báo cáo đánh giá cho cơ quan chỉ định. Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của đoàn đánh giá, cơ quan chỉ định ra quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP. Trong trường hợp không đủ điều kiện để chỉ định, cơ quan chỉ định thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký có nêu rõ lý do.
Mỗi Giấy chỉ định có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp. Trong thời gian 05 năm này, Cục Chăn nuôi sẽ kiểm tra tối thiểu 2 lần. Ngoài ra còn có kiểm tra đột xuất, thanh tra. 06 tháng 1 lần các tổ chức chứng nhận Vietgap phải báo cáo kết quả hoạt động về chứng nhận Vietgap chăn nuôi cho Cục chăn nuôi
"Về trưởng hợp có giấy chứng nhận VietGap bị làm giả, hiện nay, Bộ Nông nghiệp có nhiều đơn vị cùng phối hợp để xử lý các trường hợp vi phạm như Thanh tra Bộ, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Cục Chăn nuôi...", vị đại diện Cục Chăn nuôi cho biết.