Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam giảm 10% so với năm 2019, phản ánh tác động tiêu cực khác nhau của đại dịch Covid-19 tại các châu lục.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,78 tỉ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 79,8%, trong đó giày dép chiếm 81,2% và túi xách 71,6%.
Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là EU chiếm thị phần 23,4% về giày dép và 22,2% về túi xách.
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp da giày trong các tháng cuối năm.
Giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. (Ảnh minh họa) |
Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến”.
Tại các địa phương ở miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động với công suất 50-70% do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động cũng buộc giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách. Đồng thời, phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống dịch Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động...).
Cùng với đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, các doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.
Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lực lượng lao động, để sau khi đại dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất và xuất khẩu, tận dụng tốt các ưu đãi từ các Hiệp định FTA (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA).
"Doanh nghiệp đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng tránh Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ và các địa phương đối với các khu công nghiệp", Hiệp hội lưu ý.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những khó khăn, lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đến từ cả phía cung và cầu. Do đó, một số quy định về phòng chống dịch bệnh cần phải được điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới như đã nêu. Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh.
Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… sẽ tăng mạnh trở lại.
Bởi vậy, việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng.