Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, nhất là tại những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như tại chợ truyền thống, siêu thị... giảm khá nhiều, thay vào đó là những chi tiêu online có thể thực hiện tại nhà.
Dịch Covid-19 đã trở thành “chất xúc tác” mạnh mẽ, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ảnh minh họa. |
Chị Thanh Mai (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường tôi cũng thường xuyên đặt hàng online, chủ yếu là sản phẩm thời trang, đồ gia dụng hoặc mỹ phẩm. Thế nhưng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì ngay cả những thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ quả… tôi cũng đặt qua các trang mạng xã hội để tránh tụ tập đông người tại chợ hoặc siêu thị”.
Là một nhân viên thiết kế do dịch Covid-19 nên phải làm việc tại nhà, chị Bùi Hạnh (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết: “Chẳng cần đi đâu xa, chỉ với chiếc điện thoại, ngồi tại nhà tôi cũng có thể đặt mua đầy đủ các sản phẩm thiết yếu. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay mỗi người nên có ý thức tự bảo vệ bản thân bằng cách hạn chế tiếp xúc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh”.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch Covid-19 đã trở thành “chất xúc tác” mạnh mẽ, thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Từ đó đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình. Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang bán hàng đa kênh.
“Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 như tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, các kênh bán hàng online được cập nhật nhanh chóng để đưa thực phẩm thiết yếu đến tay người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng ùn ứ hàng tại nơi thu mua và thiếu hàng tại nơi bán”, bà Hậu nói.
Có thể nói, việc chuyển đổi cách thức kinh doanh và ứng dụng công nghệ số đang được doanh nghiệp bán lẻ áp dụng nhanh chóng. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nền tảng và chuẩn bị sẵn kịch bản phù hợp để thích ứng kịp thời với sự thay đổi trên, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặc dù còn nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng các chuyên gia nhận định, mô hình bán lẻ đa kênh tích hợp chắc chắn sẽ là tương lai của ngành bán lẻ thế giới và Việt Nam. Không những thế nó còn được dự báo sẽ tiến hóa theo hướng kết nối sâu và rộng hơn, hình thành một mô thức “Hệ sinh thái người tiêu dùng”. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đừng nên nghĩ rằng nó chỉ phù hợp với những đại gia trong ngành bán lẻ. Mô hình này là bước đi bắt buộc cho tất cả các thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng hiện đại.
Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2020, 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua ứng dụng, 33% người tiêu dùng Việt Nam thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến. Với tỷ lệ dân số trẻ cao, Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD.
Theo VietQ