Tuy vậy, cắt giảm khoản này đồng nghĩa với việc tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng giảm mạnh, theo đó nợ xấu cũng tăng nhanh.
Lợi nhuận đạt gần 20.000 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh quý III/2023 của ngành ngân hàng có sự thay đổi khi 3 nhà băng gồm Vietcombank, MB, BIDV lần lượt nắm giữ vị trí dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành.
“Quán quân” lợi nhuận trước thuế toàn ngành trong quý III tiếp tục gọi tên Vietcombank với 9.051 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, Vietcombank đạt hơn 29.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Đáng chú ý, trong khi hàng loạt ngân hàng tư nhân báo lãi giảm, MB lại xuất sắc vươn lên đứng thứ 2 toàn ngành với lợi nhuận trước thuế đạt 7.284 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của MB đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
BIDV đứng ở vị trí thứ 3 với lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 5.890 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt hơn 19.760 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
“Quán quân” lợi nhuận trước thuế toàn ngành trong quý III tiếp tục gọi tên Vietcombank với 9.051 tỷ đồng. |
Vietinbank xếp ở vị trí thứ 4 với lợi nhuận trước thuế trong quý III đạt hơn 4.870 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, động lực tăng trưởng lợi nhuận của 3 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh chủ yếu đến từ việc giảm chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi thu nhập lãi thuần đều giảm hoặc đi ngang.
Theo đó, Vietcombank đã tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, với mức giảm lần lượt là 18% và 46,2% về 5.232 tỷ đồng và 1.493 tỷ đồng. Tương tự, BIDV cũng giảm đến 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro, chỉ còn 15.409 tỷ đồng. Vietinbank cắt giảm 10,6% chi phí dự phòng rủi ro, từ 8.321 tỷ đồng xuống còn 7.440 tỷ đồng.
Như vậy, sau trích lập dự phòng, quỹ lợi nhuận của Vietcombank được bảo toàn phần lớn, còn 9.051 tỷ đồng, trong khi BIDV là 5.893 tỷ đồng và Vietinbank giảm còn 4.872 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng mạnh
Cắt giảm chi phí trích lập dự phòng đồng nghĩa với việc tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của các ngân hàng giảm mạnh, theo đó nợ xấu cũng tăng nhanh.
Tại Vietcombank - ngân hàng thường nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt trong ngành có thêm hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu sau 3 quý đầu năm, tương đương mức tăng 84%. Trong đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 87,5%; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp 7,1 lần; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 7,3 lần con số cuối năm trước trong khi nợ nhóm 5 giảm 14%.
Nợ xấu tăng mạnh nhưng do giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank giảm xuống còn 270%, giảm mạnh so với mức 385% vào cuối quý II.
Xét về số dư, BIDV là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất nhóm Big 4 với 26.394 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm trước và là ngân hàng có số dư nợ xấu cao thứ hai toàn ngành.
Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, gấp 3,4 lần. Nợ có khả năng mất vốn (chiếm phần lớn tổng nợ xấu) cũng tăng 9%. Theo đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại BIDV tăng từ 1,16% tại thời điểm đầu năm lên 1,6%.
Nợ xấu tại Vietinbank cũng tăng gần 20% so với cuối năm 2022, ghi nhận hơn 18.941 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,24% lên 1,37%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 188% xuống còn 172%.