Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Đất vàng ở các nhà máy di dời sẽ biến thành cao ốc

TIN TỨC VIỆT NAM 08:03 05/02/2020

Ngay cả khi doanh nghiệp đã di dời nhà máy, thì Hà Nội lại đối mặt với vấn đề khác đó là những cao ốc mọc lên, thế chân vào các nhà máy.

Chủ trương di dời nhà máy ra ngoại thành Hà Nội với mục tiêu bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc di dời nhà máy như "bắt cóc bỏ đĩa" khi nhà máy rời đi, cao ốc ngay lập tức mọc lên.

Ngày 22/4/2003, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa đầy 2 tháng sau, UBND TP Hà Nội lập tức ra quyết định chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.

Thế nhưng sau gần 17 năm, cụm nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn, giày...vẫn không nhúc nhích và không được chú ý nhiều. Cho tới khi xảy ra vụ cháy kho Nhà máy Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) vào tháng 8/2019.

Gân đây nhất, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội tính đến thời điểm tháng 6/2017, trong các quận nội thành thành phố còn trên 200 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch buộc phải di dời ra khỏi khu vực nội đô. Thế nhưng, sau 2 năm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2019, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

Tiến độ di dời nhà máy ô nhiễm chậm, nguyên nhân thì có nhiều: Tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; Năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến. Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế…

Ngay cả khi doanh nghiệp đã di dời nhà máy, thì Hà Nội lại đối mặt với vấn đề khác đó là những cao ốc mọc lên, thế chân vào các nhà máy.

Điển hình với trường hợp này là Nhà máy rượu cồn Hà Nội ở địa chỉ 94 Lò Đúc sau khi di dời nơi đây đã mọc lên 2 tòa nhà cao ốc 33 - 35 tầng với quy mô 8.000 m2. Tương tự Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 trương Định sau khi di rời thành tòa nhà Nam Đô Complex với 2 tòa chung cư từ 25 - 28 tầng và 1 tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Còn khu đô thị New Hoziron City với 4 tòa chung cư từ 17 - 30 tầng cũng đã được hình thành trên diện tích đất của Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ việt Hà trước đây. Nhà máy cơ khí Hà Nội ở địa chỉ 72 Nguyễn Trãi giờ trở thành Vinhome Royal City với 6 tòa chung cư 35 tầng tổ hợp trung tâm thương mại dưới lòng đất.

Công ty Cổ phần may Thăng Long ở địa chỉ 250 Minh Khai nay đã thành Thăng Long Garden với một tòa văn phòng 25 tầng và 2 tòa nhà chung cư 19 và 25 tầng. Hay địa điểm công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tiền thân là công ty dệt len Mùa Đông ở số 47 Nguyễn Tuân nay đã thành khu căn hộ mang tên TNR Goldseason gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ do TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý, điều hành và phát triển độc quyền.

Khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, nhưng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP.Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng của mảnh đất sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 – 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376m2…

Trái khoáy ở chỗ, theo Quyết định số 130 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì sau khi di dời, quỹ đất của các cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Việc thực hiện không đúng chủ trương của Chính phủ đang đẩy Hà Nội vào một vấn đề nan giải hơn ô nhiễm môi trường chính là câu chuyện hạ hạ tầng đáp ứng lượng cư dân tăng chóng mặt trong các tòa cao ốc được xây dựng trên diện tích đất vốn là các nhà máy trước đây.

(Còn tiếp...)

Link gốc : https://tintucvietnam.vn/ha-noi-nha-may-di-doi-cao-oc-moc-len-d231001.html

Bạn đang đọc bài viết Đất vàng ở các nhà máy di dời sẽ biến thành cao ốc tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản