Hai bộ, hai quan điểm
Như Tiền Phong phản ánh, 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được Chính phủ đề nghị Quốc hội chuyển đổi từ việc kêu gọi đầu tư (bằng hình thức BOT) sang đầu tư công vào kỳ họp tới đây. Tuy nhiên, đi cùng với chuyển đổi sang đầu tư công, Bộ KH&ĐT lại đề xuất với Chính phủ cho phép chỉ định để chọn nhà thầu.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tuyên bố sẽ thực hiện đấu thầu để chọn nhà thầu thi công. Trao đổi cụ thể hơn vào ngày 16/4, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật (trực tiếp phụ trách cao tốc Bắc - Nam) cho hay, trước mắt phải xin được chủ trương của Quốc hội chuyển đổi sang đầu tư công rồi mới tính tiếp. Trường hợp được Quốc hội thông qua cho sử dụng ngân sách để đầu tư, Bộ GTVT sẽ thực hiện đấu thầu. “Quan điểm của Bộ GTVT là đấu thầu tất cả các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam, không chỉ định thầu và Thủ tướng sẽ có quyết định đấu thầu” - ông Nhật nói. Theo ông Nhật, chỉ định thầu sẽ phát sinh rủi ro, kể cả rủi ro đối với những người chịu trách nhiệm quyết định.
Trong khi đó, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay, đến nay, Bộ KH&ĐT vẫn chưa có quan điểm gì khác so với văn bản đã gửi Chính phủ gần đây. Cụ thể, ông Phương là người ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về cao tốc Bắc - Nam hôm 13/3/2020. Theo đó, Bộ này đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phương án chỉ định thầu sau khi các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp quốc phòng.
Trao đổi với PV Tiền Phong về lo ngại có thể thiên vị, lợi ích nhóm nếu chỉ định thầu 9 dự án nêu trên, ông Phương cho hay: “Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Lợi ích nhóm hay không thì phục thuộc vào Bộ GTVT” - ông Phương nói. Về nội dung ưu tiên doanh nghiệp quốc phòng, ông Phương cho rằng, Bộ KH&ĐT không đề nghị ưu tiên toàn bộ cho doanh nghiệp quốc phòng, vẫn đề nghị chỉ định thầu cho doanh nghiệp dân sự. Về việc doanh nghiệp tư nhân kết hợp với các doanh nghiệp quốc phòng để được ưu tiên, ông Phương cho rằng đó cũng là điều bình thường, đúng theo thị trường (?).
Ông Phương cho hay, thẩm quyền chuyển đổi hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công thuộc về Quốc hội. Còn thẩm quyền chỉ định thầu hay đấu thầu thuộc về Thủ tướng theo điều 26, Luật Đấu thầu. Để tham mưu cho Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cũng có trách nhiệm tham mưu nhưng chủ trì là Bộ GTVT.
Nếu đấu thầu, chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho hay, nếu Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép 9 dự án nêu trên được chuyển từ BOT sang đầu tư công, Bộ GTVT sẽ kiến nghị đấu thầu. “Theo Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công sử dụng ngân sách, không phải vốn vay nước ngoài nên việc thi công sẽ được dành cho các doanh nghiệp trong nước. Đó là điều quy định trong luật và để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp trong nước” - ông Nhật cho hay.
Trao đổi thêm về tiến độ nếu chuyển sang đấu thầu, lãnh đạo Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT cho hay, nếu công tác chuẩn bị làm tốt, chỉ mất khoảng 3-4 tháng, “không quá lâu hơn so với chỉ định thầu” - ông này nói. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho biết, việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam cũng không đến mức cấp bách phải chỉ định thầu để rút ngắn thời gian. “Nếu lấy lý do vì phải nhanh đưa vốn nhà nước để nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19 cũng không đến mức gấp gáp chỉ định thầu như thế” - vị chuyên gia này nói.
Về kiểm soát chất lượng, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xem là một điển hình và dự án này cũng được đấu thầu chọn nhà thầu. Một nguyên lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc này cho rằng, đấu thầu sẽ mang lại lợi ích mọi mặt cho cả cơ quan quản lý và nhà thầu, trên hết là hiệu quả dự án. “Nếu chỉ định thầu, các nhà thầu sẽ liên tục bị thanh kiểm tra, 5 năm sau khi dự án hoàn thành mới yên ổn. Còn đấu thầu, cứ theo hợp đồng mà làm” - ông này nói.
Nói về ý kiến cho rằng, đấu thầu nhưng quản lý không tốt sẽ dẫn đến những tiêu cực nặng nề như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vị này cho rằng, nếu công tâm, khoa học trong quản lý sẽ không dẫn đến hậu quả đó. Cụ thể, tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi quy định, thầu chính không được thuê thầu phụ quá 30% khối lượng công việc. Thầu phụ muốn vào thi công cũng phải được đánh giá về năng lực, chất lượng. Kinh nghiệm quan trọng nhất theo ông này là: “Chủ đầu tư và cơ quan quản lý đừng can thiệp vào thầu phụ. Nhiều thầu chính nói với tôi, họ vỡ tiến độ, chất lượng không đạt vì bị “gí” thầu phụ, không thể chỉ đạo nổi thầu phụ”.
Theo Tiền Phong