Các ứng dụng (app) vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” ngày càng nở rộ. Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều, thế nhưng nhiều người dân vẫn “sập bẫy” các app “tín dụng đen” này. Nguyên nhân là bởi họ rất khó phân biệt với các app vay chính thống.
--Nở rộ app “tín dụng đen” |
Tải các ứng dụng trên điện thoại (app), người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Nếu người vay không thanh toán được trong vòng từ 3 - 5 ngày, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm.
Mới đây Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app (ứng dụng trên điện thoại). Theo đó, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app cho vay là “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay” để tiếp cận người vay. Số lượng khách hàng vay qua hệ thống trên khoảng gần 1 triệu người, mỗi tháng số tiền giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.
Năm 2021, Bộ Công an đã có cảnh báo về việc một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”.
Người dân khi sử dụng app để vay tiền thường được hứa hẹn vay khá đơn giản không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên khi đã tiến hành ký hợp đồng vay trên app thì bị trừ rất nhiều loại phí khiến số tiền thực nhận về rất thấp. Có trường hợp vay 10 triệu đồng khi nhận về chỉ có 7-8 triệu đồng với lãi suất rất cao. Sau khi vay, đến hạn nếu chậm trả nợ, người vay có thể bị tung các thông tin cá nhân hoặc thông tin của người thân lên mạng xã hội bôi nhọ, làm mất uy tín.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLaw chia sẻ, các app hiện nay phát triển không chịu sự ràng buộc nào của quy định pháp luật. Nếu bị cơ quan pháp luật "sờ" đến, ngay lập tức họ có thể biến mất. Nhiều app sử dụng nguồn vốn nước ngoài hoặc đặt máy chủ ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không phân biệt được đâu là app thật của ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp và các app bất hợp pháp dẫn đến mất niềm tin với mô hình cho vay qua những ứng dụng trên mạng.
Vay qua app thế nào cho an toàn?
Ở Việt Nam hiện nay, hành lang pháp lý cho mô hình Fintech, P2P (cho vay ngang hàng) hay hình thức cho vay online của các ngân hàng vẫn còn thiếu. Đây cũng chính là lý do các app tín dụng đen mọc lên như nấm.
Bà Natalia Kovalenko - Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Lendtop, đơn vị phát triển nền tảng MoneyCat, một nền tảng dịch vụ P2P cho biết, hiện ở Việt Nam chủ yếu có 2 loại hình App cho vay.
Một là nhóm các App cho vay ít đầu tư công nghệ, chỉ cần có người vay tiền liên tục, không quan tâm liệu người vay có thể trả được nợ hay không.
Hai là nhóm App cho vay sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến từ người dùng để giảm thiểu rủi ro cho bên cho vay. Khi đó, các App này sẽ tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt để phân tích khả năng được duyệt vay và khả năng hoàn trả khoản vay của khách hàng.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, Bộ Thông tin và truyền thông), từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo bị lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng liên quan tới hoạt động “tín dụng đen” chiếm 30%. Vậy làm thế nào để phân biệt app chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín và app lừa đảo?
Để người dùng có thể phân biệt được, đại diện NCSC cho biết, khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng (app) có nội dung như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… thì phải rất cảnh giác.
Bởi đa số các app “tín dụng đen” đều quảng cáo có lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay và không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, “tín dụng đen” có lãi suất “cắt cổ”.
Trước khi cho vay, các đối tượng thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…
Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người vay phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND để khi người nợ chậm trả lãi thì chúng sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực.
Do đó, nếu có nhu cầu vay tiền thực sự, đại diện NCSC cho rằng, người dùng cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín trong trường hợp cần sử dụng. Nếu nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến “tín dụng đen”, người dân có thể chủ động cảnh báo tại: canhbao.ncsc.gov.vn; Hoặc tìm kiếm các trang web lừa đảo, trục lợi tài chính qua “danh sách đen” tại tinnhiemmang.vn.
Trong trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả...) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay đang xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay lãi suất “cắt cổ”. Do vậy, khi người dân vay tiền qua app, cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website.