Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Làm thế nào để kiểm soát App tín dụng đen?

TDVN 07:38 24/06/2020

Để đẩy lùi ứng dụng (App) tín dụng đen, cần sớm đẩy mạnh các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) trên thị trường và cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm P2P.

Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp cho vay P2P, trong khi đang có nhiều App tín dụng đen hoành hành trên thị trường, gây bất ổn trong đời sống xã hội với lãi suất cho vay, phí, phạt quá hạn "cắt cổ".

Đối tượng các App tín dụng đen hướng tới là những người đang có nhu cầu vay khoản nhỏ lẻ và thiếu các điều kiện để có thể vay ngân hàng, nên đã và đang tìm đến tín dụng đen với thủ tục nhanh chóng, đơn giản, nhưng ẩn chứa nhiều hệ lụy.

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, cơ chế thử nghiệm cho công nghệ trong tài chính (Fintech), trong đó có P2P Lending, là cần thiết để đẩy lùi App tín dụng đen, nhưng cần hoàn chỉnh hơn so với dự thảo Nghị định Cơ chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động P2P mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đưa ra lấy ý kiến.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong ngân hàng không chỉ đề cập đến P2P Lending, mà đề cập đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Fintech, gồm thanh toán, tín dụng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NHNN cần bổ sung thêm quy định NHNN là cơ quan quản lý để thực hiện lĩnh vực liên quan đến cho vay và hợp tác đầu tư. Theo đó, NHNN không chỉ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép cho các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech, mà còn quản lý đầu ngành các hoạt động liên quan đến cho vay, thanh toán, tín dụng và đầu tư, chứ không thể giao cho các Bộ khác, như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương…

Bên cạnh đó, tại Điều 12 dự thảo Nghị định nêu “Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, NHNN sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp, bao gồm đồng thời hoặc 1 trong 3 yếu tố: Địa lý, hạn mức giao dịch và số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: NHNN cần bổ sung thêm các cấp độ: Doanh nghiệp P2P Lending chỉ tham gia với vai trò kết nối giữa bên đi vay và bên cho vay thông qua các ứng dụng di động hoặc trực tuyến, doanh nghiệp sẽ hưởng hoa hồng qua việc làm trung gian; doanh nghiệp kết nối cũng có nhiệm vụ thẩm định khả năng trả nợ của người đi vay để giới thiệu cho người cho vay và khả năng đầu tư của người có tiền cho vay; doanh nghiệp thay vì chỉ kết nối, thẩm định, còn có những quy định cho cả hai bên về mức lãi suất, điều kiện cho vay, nhằm bổ trợ cho cả hai bên trong việc đầu tư và hoạt động tín dụng; doanh nghiệp kết nối được ủy thác đầu tư và đưa ra các gói đầu tư, tức là nhà đầu tư không trực tiếp đưa tiền cho người đi vay mà thông qua doanh nghiệp kết nối.

Như vậy, các doanh nghiệp P2P Lending muốn tham gia chương trình thử nghiệm cần xác định xem mình đang ở cấp độ nào để làm thủ tục xin cấp phép. Theo đó, NHNN sẽ xem xét cấp phép cho doanh nghiệp và có quy trình quản lý rủi ro phù hợp.

Theo Báo tin tức

Link gốc : https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/lam-the-nao-de-kiem-soat-app-tin-dung-den-20200623155710734.htm

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào để kiểm soát App tín dụng đen? tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết