Hà Nội, Chủ nhật Ngày 28/04/2024

Xúc tiến xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Mỹ

Đào Vũ 10:33 27/04/2023

Vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ với 17 mã số vùng trồng, diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.

Phấn đấu xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều

Theo Bnews, nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ, ngày 26/4, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2023".

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; vải chính vụ 120.000 tấn).

Trong đó, vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ với 17 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số IRADS), diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.

Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2023.

Về sản xuất và tiêu thụ vải thiều, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

Người dân chuyển vải thiều đến các đại lý thu mua tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh Tuổi Trẻ

Tỉnh Bắc Giang xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, đây lại là thị trường đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Do đó, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường này còn một số khó khăn như: Chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa có công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; việc chiếu xạ còn hạn chế.

Để việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm và có những định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang ở thị trường Mỹ; hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… và các hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Cùng đó, quan tâm giới thiệu, mời gọi và kết nối các doanh nhân Mỹ và các doanh nhân người Việt tại Mỹ có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội giúp Bắc Giang và phối hợp với các doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng để việc chiếu xạ đến thị trường Mỹ được thực hiện tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội…

Tháo gỡ những khó khăn

Xác định Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, tỉnh Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường Mỹ, đặc biệt là quả vải thiều.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, để trái vải có thể vượt qua được hành trình hơn 13 nghìn km tới Mỹ cần phải có một tổ hợp giải pháp triển khai đồng bộ trên toàn bộ chuỗi giá trị của quả vải thiều.

Trong đó, người nông dân cần nghiêm chỉnh thực hiện chế độ chăm sóc đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cơ sở đóng gói cần thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh tình trạng quả vải bị va đập từ khâu chuyển từ vườn về tới xưởng và trong từng công đoạn sơ chế, đóng gói. Việc chiếu xạ cần có phương án linh hoạt để đảm bảo được chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về mong muốn của tỉnh Bắc Giang để quả vải được chiếu xạ tại Hà Nội, ông Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đã làm việc với doanh nghiệp phía Mỹ để hiệu chuẩn các thông số theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đơn vị phấn đấu đầu tháng 6 sẽ có đầy đủ trang thiết bị, chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội.

Đối với việc vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Giám đốc Chi nhánh Khu vực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hiện Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay thẳng trực tiếp từ Việt Nam đi Mỹ với tần suất 4 chuyến/tuần.

Vietnam Airlines cam kết sẽ chủ động trong việc tham gia có trách nhiệm các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều; tìm hiểu thị trường; khảo sát nhu cầu vận chuyển; kết nối với các nhà xuất khẩu, công ty logistics,... để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ vận tải hàng không từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh xuất khẩu, vận chuyển quả vải đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu, vận tải theo tiêu chuẩn cao nhất.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng khẳng định, đơn vị luôn nỗ lực quảng bá sản phẩm Bắc Giang tại các sự kiện do Thương vụ phối hợp tổ chức. Để xuất khẩu vải thiều thành công, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Mỹ, gỡ khó về giá cước. Đồng thời lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Theo báo Công Thương, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Giang đặc biệt coi trọng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Tỉnh đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch xuất, nhập khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp xuất khẩu hàng hóa cụ thể, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.

Xác định Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng, Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường.

UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa từng nhóm vấn đề như: Tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải thiều; điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ; kết nối trong hoạt động xuất khẩu; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, Bắc Giang một lần nữa khẳng định lại cam kết: Tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bắc Giang đầu tư sản xuất, hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Do đó, Sở Công Thương được giao trọng trách là cơ quan đầu mối tiếp nhận kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ để nắm chắc thị trường, quy định của Chính phủ Mỹ về hoạt động xuất, nhập khẩu, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Các huyện Lục Ngạn, Tân Yên quản lý chặt chẽ mã vùng trồng vải thiều, mã số cơ sở đóng gói tại địa phương; chuẩn bị đầy đủ điều kiện hỗ trợ thu hoạch vải thiều, khắc phục tất cả tồn tại của những năm trước, bảo đảm tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023 thành công.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/xuc-tien-xuat-khau-vai-thieu-bac-giang-sang-my-a605126.html

Bạn đang đọc bài viết Xúc tiến xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Mỹ tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết
Tại thời điểm 31/03/2023, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng xấu của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) ghi nhận ở mức 4,03%, tăng so với mức 2,88% hồi đầu năm.