Liên danh đứt gánh giữa đường, vốn nhà đầu tư “chênh vênh”
Liên danh CTCP Đầu tư HLP - CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Sơn - CTCP Năng lượng Mirat Việt Nam ngày 12/6/2019 có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khảo sát đầu tư Dự án cánh đồng gió Biển Cổ Thạch tại ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án điện gió Biển Cổ Thạch có diện tích khảo sát 30.264ha, nằm ngoài đường chân triều và cách đường chân triều không quá 20km về phía biển. Tổng công suất dự án 2.000MW với 200 turbine. Tổng mức đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD.
Ngày 9/8/2019, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương) có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, Cục này cho biết, Điện gió Biển Cổ Thạch là dự án quy mô lớn có nhiều đặc thù liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, môi trường, vận tải, an ninh, quốc phòng.
Từ đó, cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến đối với dự án để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, dự án có quy mô 30.264 ha chưa có trong Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bình Thuận đã được Chính phủ xét duyệt.
Về quy hoạch không gian biển, quy hoạch này hiện nay Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập và trình Chỉnh phủ xem xét, Quốc hội phê duyệt, tỉnh Bình Thuận không có thông tin và không có cơ sở để góp ý với nội dung này.
Mặc dù mới xin khảo sát đầu tư dự án vào tháng 6/2019 nhưng sau đó không lâu Liên danh nhà đầu tư đã tan rã, khi hai thành viên là Thương mại Đông Sơn và Năng lượng Mirat được xác định là không có khả năng và năng lực để tham gia dự án. Chủ đầu tư lúc này chỉ còn lại duy nhất Công ty HLP.
Theo Nhà đầu tư, CTCP Đầu tư HLP (HLP Invest) được thành lập tháng 9/2017, có vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. 7 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Mạnh Cường (38%), ông Trương Việt Hùng (35%), ông Trần Văn Hải (10%), bà Đỗ Thu Trang (7%), ông Nguyễn Như Nam (3%), ông Bùi Xuân Huy (3%), bà Phạm Thị Đông (2%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2%).
Theo cập nhật tại đăng ký kinh doanh thay đổi gần đây nhất (15/10/2018), HLP Invest chỉ có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, hay theo báo cáo của nhà đầu tư này gửi chính quyền tỉnh Bình Thuận, vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2018 là 1.347 tỷ đồng. Trong khi chỉ riêng dự án Biển Cổ Thạch số vốn đầu tư đã lên tới 4,4 tỷ USD, tương đương cả trăm nghìn tỷ đồng.
Con số chênh lệch quá lớn giữa vốn của doanh nghiệp và vốn đầu tư cho dự án đặt ra vấn đề liệu có hay không khả năng nhà đầu tư xin dự án để chuyển nhượng?
Băn khoăn này không phải không có cơ sở, khi nhóm nhà đầu tư của ông Nguyễn Mạnh Cường từng xin một dự án điện mặt trời, song đã nhanh chóng bán lại cho một Tập đoàn Trung Quốc vào đầu năm 2019.
Xin dự án rồi chuyển nhượng cho Tập đoàn Trung Quốc
Trước lo ngại có tình trạng lập dự án để chuyển nhượng, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ năng lực tài chính của HLP Invest.
Ngày 10/3/2020, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị chủ đầu tư dự án báo cáo và cung cấp thông tin, hồ sơ năng lực (tài chính, kinh nghiệm...) để cơ quan này phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận.
Sự cân nhắc kỹ lưỡng này đến từ việc “Tổng giám đốc HLP là cổ đông sáng lập CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, hiện nay Công ty đang đề nghị chuyển nhượng vốn 100% cho nhà đầu tư nước ngoài” – 1 văn bản đầu năm 2019 của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.
CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II là chủ đầu tư dự án cùng tên tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong.
Về vấn đề này, HLP Invest giải trình ông Nguyễn Mạnh Cường (Tổng giám đốc HLP Invest) là Tổng giám đốc CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, đồng thời là người sáng lập và nắm giữ 38% cổ phần tại Công ty, các cổ đông lớn khác là bà Đào Thị Hảo 35% và ông Trần Văn Hải 10%.
Tháng 7/2017, CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II tiến hành cơ cấu lại cổ đông để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án, lúc này, ông Nguyễn Mạnh Cường chuyển toàn bộ phần vốn góp cho ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Cường) để trở thành cổ đông sáng lập nắm giữ 37,45% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường tham gia với vai trò Tổng giám đốc, trực tiếp quản trị điều hành để dự án được đẩy nhanh tiến độ. Cơ cấu cổ đông lúc này như sau: ông Hà Duy Lợi 60%, ông Nguyễn Văn Hùng 37,45% và bà Nguyễn Thị Liên 2,55%.
Để thoái vốn đầu tư các dự án khác, các cổ đông đã đồng ý chuyển nhượng 100% cổ phần cho các cổ đông nước ngoài. Việc chuyển nhượng đang được tiến hành theo đúng quy định pháp luật và đã được UBND tỉnh đồng ý tại văn bản số 709/UBND-KT ngày 28/2/2019.
Trên thực tế, nhóm các cổ đông của VSP Bình Thuận II là ông Hà Duy Lợi, ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Liên vào đầu tháng 3/2019 đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar (99%) và hai cá nhân Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%).
Tuy nhiên, trong một bản tin của CTCP Tư vấn Xây dựng Thành Nam, đơn vị này cho biết vào ngày 18/8/2018 đã được Công ty TNHH Vina Solar Technology mời làm đơn vị tư vấn và thiết kế toàn bộ phần kiến trúc, kết cấu và công nghệ phát điện thi công dự án Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II.
Có nghĩa rằng ít nhất từ thời điểm tháng 8/2018, tức là gần nửa năm trước khi nhóm cổ đông Nguyễn Mạnh Cường được chấp thuận bán và hoàn tất chuyển nhượng cổ phần, thì dự án quy mô 30MW, rộng 40,8ha thực chất đã thuộc về người Trung Quốc.
Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar đóng trụ sở tại Hà Nội song thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc, đầu tiên là công ty con của Công ty TNHH Vina Solar Technology.
Sau nhiều lần thay đổi công ty mẹ, Đầu tư Vina Solar hiện là công ty con cấp hai của Công ty TNHH Thương mại HQ, có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc. Nhóm nhà đầu tư Trung Quốc này đã vào Việt Nam từ khá lâu, ít nhất từ năm 2014, đặt "đại bản doanh" tại Bắc Giang và hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị, linh kiện năng lượng mặt trời.
Quay trở lại vai trò của ông Nguyễn Mạnh Cường, ba cổ đông sáng lập đầu tiên của VSP Bình Thuận II không phải ông Nguyễn Mạnh Cường, bà Đào Thị Hảo và ông Trần Văn Hải, mà là CTCP Đầu tư và Công nghệ HC Toàn Cầu (42,75%), CTCP Điện Mặt trời Việt Nam (52,25%) và ông Đặng Hồng Sơn (5%); vốn điều lệ khi thành lập (tháng 12/2016) là 360 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 7/2017, VSP Bình Thuận II giảm mạnh vốn về còn 50 triệu đồng, trước khi tăng lên 2,6 tỷ đồng một tháng sau đó. Cơ cấu cổ đông lúc này mới đúng như báo cáo của HLP Invest, gồm ông Hà Duy Lợi, ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Liên.
Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Cường là cổ đông lớn, chiếm 20% vốn của CTCP Điện mặt trời Việt Nam, chỉ xếp sau Chủ tịch HĐQT Hà Duy Lợi (35%).
CTCP Đầu tư và Công nghệ HC Toàn Cầu là tên tuổi có "số má" trong lĩnh vực phân phối, lắp đặt thiết bị công nghệ cao. Dù mới thành lập từ năm 2011, và có vốn điều lệ chỉ 35 tỷ đồng, song HC Toàn Cầu là bạn hàng thân thiết với nhiều đối tác lớn, đáng kể nhất là Viettel và các đơn vị thành viên trong và ngoài nước.
Vài năm trở lại, doanh nghiệp gắn liền với vai trò đặc biệt quan trọng của Giám đốc Lê Trọng Huy (SN 1981) phát triển mạnh mảng năng lượng tái tạo, cũng thành lập một loạt các pháp nhân trong lĩnh vực này, đơn cử như CTCP Điện mặt trời Suối Ngô 2, CTCP Điện mặt trời HCG Đắk Nông, CTCP Điện mặt trời HCG Long An hay Công ty TNHH Điện mặt trời HCG Tây Ninh...
“Đã đến lúc cần tính toán lâu dài, lựa chọn dự án đảm bảo lợi ích của quốc gia, chủ quyền của dân tộc”
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về vấn đề này, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, việc doanh nghiệp liên kết với nhau để triển khai dự án điện gió lên đến 4,4 tỉ đô về mặt tinh thần là đáng hoan nghênh, ủng hộ.
Tuy nhiên, trường hợp của HLP Invest có nhiều điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, phía Bình Thuận cần thận trọng trong việc xem xét năng lực triển khai của doanh nghiệp. Không để diễn ra tình trạng chạy xin dự án rồi chuyển nhượng kiếm chênh lệch hoa hồng, dự án kéo dài không triển khai.
Thứ hai, vùng Bình Thuận thời gian qua đã đầu tư xây dựng nhiều dự án điện gió dẫn đến việc quá tải lưới điện truyền tải, gặp khó khăn trong việc hòa mạng lưới điện quốc gia. Nếu không được tính toán kỹ sẽ tạo nên sự mất an toàn cho hệ thống điện quốc gia và các nhà đầu tư. Việc phát triển thêm dự án cần tính toán đến khả năng này.
Thứ ba, toàn bộ hệ thống điện gió phải do quốc gia quản lý, việc đầu tư dự án sát biển liên quan đến biên giới biển quốc gia không thể để doanh nghiệp nào cũng đầu tư được. Cần tính toán về mặt lâu dài.
“Phải tính đến lợi ích quốc gia lâu dài hơn, an ninh quốc gia xa hơn nữa, xúc tiến huy động các nhà đầu tư dám đầu tư vào điện sạch bảo đảm bảo môi trường là đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng vấn đề là dự án phải giảm được giá điện, hòa vào được mạng lưới điện quốc gia, lựa chọn dự án, đảm bảo lợi ích, chủ quyền của quốc gia, dân tộc”, GS. TS. Đặng Đình Đào trao đổi.