Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Tình yêu nước, tự hào dân tộc cần được kể một cách điện ảnh

TDVN 10:51 20/03/2024

Đạo diễn Đào Thanh Hưng chia sẻ: “Tết năm nay, ngoài phim “Mai” làm mưa làm gió tại các rạp thì còn có phim “Gặp lại chị bầu”, “Trà” và “Sáng đèn” - một phim về gánh hát rong.

Phim nhà nước thì có “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ”. Trong khi phim “Mai” và “Đào, phở và piano” nhận được sự đón nhận của đông đảo truyền thông và khán giả thì các phim còn lại đều thua về phòng vé.

“Mai” là phim được chú ý ngay từ ban đầu vì là phim của Trấn Thành, một đạo diễn, một nhà làm phim tài năng đang lên với thành công của hai mùa Tết trước.

“Mai” được quảng bá và phát hành rầm rộ và chuyên nghiệp, trong khi đó “Đào, phở và piano” - một phim Nhà nước đặt hàng âm thầm công phá bằng truyền thông “0 đồng”. Các dự án Nhà nước đặt hàng vốn vậy, phim làm xong, lưu kho và phát hành theo sự kiện nhằm tuyên truyền chứ không nhằm bán vé thu lợi nhuận”.Một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, không có truyền thông quảng cáo, không họp báo, được công chiếu tại rạp lặng lẽ, “Đào, phở và piano” bỗng dưng trở thành hiện tượng truyền thông ngay từ khán giả, sau khi đã xem phim, phần nào cho thấy nhu cầu của công chúng về những tác phẩm nghệ thuật có đề tài dân tộc, đất nước.

Theo đạo diễn Đào Thanh Hưng, sự lan tỏa của “Đào, phở và piano” có một số lý do. “Thứ nhất phải nói đến đó là chất lượng, sự cố gắng của đội ngũ làm phim trong việc khắc họa sự hào hoa, lãng mạn của người Hà Nội trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô cuối năm 1946, đầu năm 1947. Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã dành nhiều năm để viết kịch bản này và Hãng Phim truyện 1 đã đầu tư lớn cho một phim chiến tranh mà lâu lắm rồi mới thấy ở một phim đặt hàng.

Thế giới ngày càng phẳng. Việc “Đào, phở và piano” hay và được một TikToker quay lén đoạn cuối đưa lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng dậy sóng vì độ hoành tráng của cảnh quay chiến tranh. Với bản chất của một mạng xã hội phẳng là bùng nổ nhanh, “Đào, phở và piano” nghiễm nhiên trở thành nổi tiếng sau một đêm. Khi khán giả được tới rạp, hiệu ứng truyền miệng tiếp tục lan tỏa và lúc này, bộ phim đã chinh phục khán giả bằng chính chất lượng của nó, cũng đặt lên vai đơn vị chủ quản trong việc phát hành và quảng bá bộ phim”.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng đã đến phim trường của phim “Đào, phở và piano” khi phim đang trong quá trình bấm máy. Đạo diễn chia sẻ, đã lâu rồi tôi mới thấy một phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng được đầu tư công phu như vậy. Không chỉ đầu tư về mặt bối cảnh, anh còn thấy ở đó sự tâm huyết của cả ekip sản xuất. “Sự chỉn chu từ các bộ phận như đạo cụ, hóa trang, phục trang, khói lửa…

Bối cảnh thì khỏi nói, một con phố của Hà Nội được dựng lên với chiến lũy đắp bằng tài sản của người dân Hà Nội như tủ, giường, cả hoành phi câu đối…; thực phẩm như thóc gạo… ngăn bước tiến của quân Pháp xâm lược. Hậu cảnh phía xa là phông xanh để sau này có thể xử lý CGI. Hãng Phim truyện I, đạo diễn Phi Tiến Sơn và ekip thực sự đã có cuộc chơi lớn cho nghề nghiệp của mình.

Dàn cast gồm các diễn viên gạo cội như Trần Lực, Trung Hiếu, Nguyệt Hằng, Anh Tuấn và đội ngũ trẻ như Doãn Quốc Đam, Tuấn Hưng, Thuỳ Linh đảm bảo sự sâu sắc và mới mẻ trong việc thể hiện tâm lý.

Nội dung phim, một cách kể thông minh và mới mẻ. Lấy 24 giờ để kể một chuyện phim… Ngày cuối cùng, người cuối cùng trước khi Hà Nội bị hoàn toàn chiếm đóng. Những con người ấy, bằng nhiều lý do đã chọn ở lại với Hà Nội, vì đơn giản đó là mảnh đất mà tất cả họ đều yêu thương.

Giữa tình yêu, thế lực đối lập là sự đổ bộ của quân địch xuất hiện như bóng ma đe dọa khiến cho người xem hồi hộp không biết ai - khi nào sẽ phải nằm xuống. Khán giả cũng sẽ hồi hộp với cuộc tìm kiếm vũ khí, xen lẫn sự lãng mạn về sự phong lưu người Hà Nội qua cành đào và ẩm thực là bát phở. Giữa cái chết… họ chọn cái chết đẹp, họ chọn món ăn đủ vị… có cảm giác như phút cuối của các quý ông trên con tàu titanic mặc vest, nghe nhạc... ngồi đốt thuốc chờ tàu chìm.

“Đào, phở và piano” là một bộ phim đẹp, một anh hùng ca cho người Hà Nội. Ra đời trong thời điểm phim “Đất rừng Phương Nam” làm mưa làm gió, nếu “Đào, phở và piano” được phát hành bởi các đơn vị chuyên nghiệp, đó sẽ là sự đối trọng đầy tự hào giữa hai miền Bắc - Nam cho hai tác phẩm nghệ thuật xứng tầm.”

Theo đạo diễn Đào Thanh Hưng, người Việt Nam vốn có truyền thống tự hào dân tộc, và ở những người trẻ cũng tiếp nối được tinh thần này. Những tác phẩm thể loại anh hùng ca, nếu được kể dưới cách đương đại, mới mẻ và gần gũi… sẽ được lan tỏa và chạm đến được với lớp người trẻ và phần lớn những người của cuộc sống hôm nay.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng may mắn được tiếp cận với Không quân Việt Nam qua Trường Sĩ quan Không quân, cụ thể là Trung đoàn 910, trung đoàn đào tạo phi công chiến đấu của Việt Nam. Sân bay đóng tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi có biển xanh cát trắng, nắng vàng. Nơi có những tiếng phản lực xé gió vào mùa huấn luyện, nơi có những người lính bay 18 tuổi đã gia nhập quân ngũ, chưa một lần biết yêu. Anh đã ở đó trong suốt nhiều tháng, nhiều chuyến bay, nhiều mùa huấn luyện…

Anh đã sống và làm bạn với các anh, các em, các phi công có vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ quyết đoán, coi trọng kỷ luật quân đội và giữ vững tư tưởng sắt đá. “Nghe thì có vẻ rất mâu thuẫn nhưng nếu ở trong đó với họ… bạn sẽ cảm nhận được tình yêu họ dành cho Tổ quốc, cho bầu trời”, đạo diễn Đào Thanh Hưng tâm sự.

Hai tập phim “Giảng đường trên mây” 2007 và 2023 được ra đời, gây nhiều tiếng vang như đề cử Wechoice, được VTV xin mua bản quyền để phát triển thành phim truyền hình “Yêu hơn cả bầu trời", được Quân chủng tặng Bằng khen. Ekip đã mang phim chiếu cho các trung đoàn chiến đấu dọc Việt Nam và nhận được rất nhiều lời ngợi khen. Các thanh niên trẻ, xem phim trên mạng xã hội và đã gia nhập đội ngũ không quân của Việt Nam ngày một nhiều hơn. Với đạo diễn Đào Thanh Hưng, đó là cách những nhà làm phim như các anh dành tình yêu cho quê hương, Tổ quốc.

Ngoài dòng phim anh hùng ca, đạo diễn Đào Thanh Hưng còn làm phim tài liệu đời sống, phản ánh nhịp sống đương đại của Việt Nam. Năm 2017, anh dành giải Nhất dự án “Tiếng hát sau những chấn song", một phim về bảo vệ chim hoang dã. Vượt qua hơn 10 quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đạo diễn Đào Thanh Hưng đã mang phim của mình đến Hàn Quốc và chiến thắng tại đó.

Năm 2016 và 2023, đạo diễn Đào Thanh Hưng cũng có hai dự án phim tài liệu lọt vào khuôn khổ “Sắc màu châu Á” của NHK Nhật Bản với hai bộ phim “Người mẹ trẻ trên đỉnh Vài Thai” và “Sân bóng trên mây”. Qua hai bộ phim này, anh đã giới thiệu một phần vẻ đẹp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Phim “Sân bóng trên mây” được khán giả Nhật quan tâm và NHK nhận được nhiều email hỏi thăm về loại trà Tà Xùa, nơi bối cảnh phim quay tại đó.

“Ngôn ngữ điện ảnh là sự sáng tạo không giới hạn, nó có công thức nhưng mỗi câu chuyện lại có những tình huống khác nhau, đòi hỏi nhà làm phim sự tinh tế và biến đổi cho phù hợp”, đạo diễn Đào Thanh Hưng nói.Đạo diễn Đào Thanh Hưng từng đoạt giải Nhất châu Á cho dự án phim tài liệu “Tiếng hát sau những chấn song” tại Hàn Quốc. Anh hai lần được NHK lựa chọn phim chiếu trong khuôn khổ Sắc màu châu Á với phim “Người mẹ trẻ trên đỉnh Vài Thai” (2015) và “Sân bóng trên mây” (2023). Năm 2023, anh được Quân chủng Phòng không - Không quân của Việt Nam trao tặng bằng khen vì dự án phim về Không quân “E910- Giảng đường trên mây” phần 1 và phần 2 bởi những tác động tích cực tới giới trẻ trong nhìn nhận về ngành đào tạo phi công chiến đấu.

Theo Báo Đại đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Tình yêu nước, tự hào dân tộc cần được kể một cách điện ảnh tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án