Ngày 31/10, VTV Money, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.
Ước tính đến nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ khoảng 30 triệu người tiếp cận vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế.
Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm 2023 là rất khiêm tốn. Số liệu trên cho thấy những khó khăn của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng đã ảnh hưởng tới khả năng thu nợ cũng như cung ứng mới tín dụng ra nền kinh tế. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính lại là những đối tượng dễ tổn thương nhất, bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp... ảnh hưởng tới khả năng trả nợ và vay mới của khách hàng.
Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Ông Hùng nhấn mạnh, hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.
"Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook …. nhưng không hề bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ)", ông Hùng chia sẻ.
Đề xuất áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho công ty tài chính, xây dựng Blacklist
TS. Cấn Văn Lực đánh giá lĩnh vực cho vay tiêu dùng của Việt Nam hiện nay còn dư địa lớn để phát triển khi mới chỉ tương đương khoảng 12-13% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (bình quân của các nước trong khu vực là từ 17-20%). Trong đó, cho vay tiêu dùng bởi các ngân hàng vẫn chiếm đa số, với khoảng 88% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, còn lại 12% là từ các công ty tài chính. Tuy nhiên, hiện nay cho vay tiêu dùng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bốn nguyên nhân chính dẫn tới các khó khăn của công ty cho vay tiêu dùng: Một là đối tượng khách hàng của các công ty cho vay tiêu dùng chủ yếu là dưới chuẩn ngân hàng một chút nên khi nền kinh tế khó khăn đây sẽ là những đối tượng chịu tổn thương sớm nhất. Theo thống kê, 2 loại dư nợ dễ gặp rủi ro khi kinh tế khó khăn là cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng.
Nguyên nhân thứ 2 là mức độ hiểu biết của thị trường còn sơ khai trong bối cảnh thị trường tài chính chưa thực sự phát triển. Giáo dục tài chính chưa được như mong muốn.
Thứ 3 là tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật của chúng ta còn khá khiêm tốn, đôi khi bất cập.
Cuối cùng là sự phối kết hợp chưa được đồng bộ, thiếu thống nhất và liên tục giữa các cơ quan quản lý, bộ ngành và địa phương. Vấn đề thể chế cần được tiếp tục, khẩn trương hoàn thiện.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc MCredit đề xuất 5 giải pháp để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới gồm: Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng; Tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý hoạt động xử lý nợ chuyên nghiệp, áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu Blacklist tại các TCTD, CTTC.