Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Với doanh thu thương mại điện tử B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý thì mấu chốt là các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Đức Chung, Giám đốc Công ty TNHH Vinescraft (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) chia sẻ, trước đây, phương thức xuất khẩu của doanh nghiệp chủ yếu là tiếp cận với các nhà nhập khẩu, hoặc các trung tâm phân phối, cá nhân, cửa tiệm. Cách đây 5 năm, doanh nghiệp bắt tay vào việc đưa hàng lên kênh thương mại điện tử Amazon. Thời điểm này, thông tin về kênh phân phối này tại thị trường Việt Nam là chưa nhiều. Mất 2 năm tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ cũng như tìm hiểu cách bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.
Với sự mày mò và phát triển, đến thời điểm này, mỗi ngày doanh nghiệp có khoảng 300 – 500 đơn hàng. Trên Amazon các đơn hàng giá trị 50 USD trở lại là các đơn hàng dễ bán. Hiện nay, các đơn hàng của doanh nghiệp có giá từ 19 – 40 USD/đơn.
Thương mại điện tử đưa hàng hóa Việt Nam kết nối với thị trường thế giới. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ kinh nghiệm từ chính doanh nghiệp mình, ông Trần Đức Chung cho rằng, bất kỳ nền tảng nào đều có những điểm lợi thế và hạn chế. Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp đó là tìm kiếm sự phù hợp giữa doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới mà mình sẽ tham gia từ đó thúc đẩy doanh số của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để có thể xuất khẩu được sản phẩm qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự thích nghi với sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng, chính sách của sàn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể thành công.
Ngoài ra, doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử cần tìm hiểu các quy định, cách thức để có thể xuất khẩu đúng tiêu chuẩn của Amazon, cách thức vận chuyển, thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng… Tất cả những yếu tố này đều tác động lên giá thành của sản phẩm.
Theo số liệu cung cấp bởi Amazon Gloabal Selling Việt Nam, hiện đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đưa qua kênh thương mại điện tử này với doanh thu năm 2020 vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp tăng số lượng đơn hàng, doanh thu trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không phải là dễ dàng, mà còn gặp không ít những khó khăn. Đó là làm thế nào để phát triển thương hiệu của mình, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán online thường có giá trị không lớn.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng. Bên cạnh đó, cần thích ứng với những thay đổi từ nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ dựa theo đánh giá. Cuối cùng là mở rộng kênh bán hàng xuyên biên giới, mang hàng Việt ra thế giới.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tới đây Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon.
Sở kỳ vọng qua các đợt hỗ trợ như tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hiểu rõ và nắm bắt được những quy trình, thủ tục, các quy định, đồng thời thường xuyên làm mới sản phẩm của mình trên hệ thống. Từ đó, có thể gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thị trường thế giới.
Theo ViệtQ