Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Thẩm mỹ viện Khơ Thị trục lợi bằng phương pháp làm đẹp chưa cấp phép

TDVN 11:23 28/02/2020

Hiện nay, Bộ Y tế chưa hề cho phép sử dụng phương pháp tế bào gốc, PRP trong thẩm mỹ, làm đẹp. Tuy nhiên, tại thẩm mỹ viện Khơ Thị vẫn đang quảng cáo, tư vấn các phương pháp này.

TMV Khơ Thị ngang nhiên quảng cáo về phương pháp PRP.

Thu hàng trăm triệu đồng bằng phương pháp tế bào gốc, PRP

Theo thông tin quảng cáo trên trên trang web của thẩm mỹ viện Khơ Thị (thuộc Công ty CP Khơ Thị Skincare & Clinic), hiện cơ sở này đang áp dụng biện pháp làm đẹp bằng “công nghệ nhau thai thật”.

Theo quảng cáo: “Hiện nay có các nguồn lấy tế bào gốc như: Tế bào gốc lấy từ nhau thai, cuốn rốn người, tế bào gốc lấy từ mỡ bụng, eo, đùi của chính chúng ta. Viện thẩm mỹ Khơ Thị đã liên kết với các đơn vị y tế Nhật Bản uy tín cùng đội ngũ bác sĩ đầu ngành của Nhật Bản để ứng dụng liệu pháp tế bào gốc nhau thai người trong trẻ hoá và làm đẹp”.

Quảng cáo về phương pháp tế bào gốc tại TMV Khơ Thị.

TMV Khơ Thị cho rằng phương pháp tế bào gốc như một “thần dược cải lão hoàn sinh": “Tế bào gốc nhau thai Nhật Bản sẽ được vào cơ thể, tác động mạnh mẽ lên tuyến yên làm cân bằng hormone, giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh cho phụ nữ. Không những thế, khi đi tuần hoàn khắp cơ thể, nếu phát hiện những tổ chức bị tổn thương, nó sẽ làm hoạt tính hóa và giúp tái sinh, phục hồi tổ chức đó”.

Phiếu tư vấn mà phóng viên trong vai khách hàng thu thập được.

Không chỉ có phương pháp tế bào gốc, thẩm mỹ viện Khơ Thị còn sử dụng cả phương pháp PRP. Theo quảng cáo của Khơ Thị: “Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn để làm các xét nghiệm tổng thể xem bạn có phù hợp với phương pháp tiêm PRP hay không. Nếu phù hợp, bác sĩ sẽ tiếp tục lấy một lượng máu vừa đủ và đưa vào máy li tâm để tách lấy PRP có trong máu. Quá trình tách sẽ mất khoảng 15 phút. Sau khi được lấy ra, huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được chuyển vào ống tiêm để chuẩn bị cho quá trình tiêm vào da (hoặc vùng cơ thể cần điều trị). Các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm để có thể tiêm chính xác vào vùng bị ảnh hưởng và cần điều trị”.

Trong vai một khách hàng, phóng viên đến thực tế tại thẩm mỹ viện Khơ Thị, địa chỉ 222 Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Chúng tôi được các nhân viên ở đây tư vấn và nhận điều trị bằng 02 phương pháp làm đẹp tế bào gốc và PRP.

Điều khá bất ngờ, là mỗi liệu trình điều trị ở Khơ Thị có mức giá lên đến 153 triệu đồng, mặc dù đã giảm giá 40%. Chưa kể khoản tiền hàng chục triệu đồng khác mà khách hàng phải mua thêm như: sữa rửa mặt, tế bào gốc, nhau thai, viên uống chống nắng, viên uống sáng da…

Chưa được cấp phép, thổi phồng để trục lợi

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ở Việt Nam, Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép sử dụng thành phần tế bào gốc từ người trong mỹ phẩm. Nhau thai người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Nhân viên của TMV Khơ Thị đang tư vấn về việc áp dụng phương pháp tế bào gốc trong làm đẹp. (Ảnh chụp từ CLIP)

Đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Sở Y tế TP.HCM chưa cấp số tiếp nhận công bố sản phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người.

Trả lời trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. HCM khẳng định, hiện kỹ thuật PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép thực hiện tại các cơ sở làm đẹp, nếu các cơ sở vẫn thực hiện là phạm luật.

Chúng tôi sẽ kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ, những điểm kinh doanh mỹ phẩm và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh loại mỹ phẩm làm từ nhau thai người, tế bào gốc người” - bác sĩ Huỳnh Mai trả lời trên báo Giáo dục TP HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - cố vấn khoa học của Ruy Băng Tím (tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam) - cho rằng, tuy khoa học kỹ thuật hiện đại đã khám phá ra nhiều cơ chế, quy luật để điều khiển tế bào gốc biến đổi theo ý muốn nhưng vẫn chưa thật sự thành công, nhất là khi ứng dụng lên người. Vẫn còn nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy không hiệu quả và thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng.

Còn ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội) khẳng định: Dịch vụ cấy tế bào gốc chưa nằm trong danh mục các dịch vụ được cấp phép, vì vậy, cơ sở làm đẹp nào sử dụng dịch vụ này đều là trái phép, thực hiện chui.

Điều đáng nói là dù thành công của tế bào gốc còn hạn chế nhưng hiện nay có rất nhiều trung tâm y tế hoặc cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về tế bào gốc để thổi phồng khả năng của chúng nhằm kinh doanh, trục lợi.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương trả lời trên Báo Giao thông khẳng định: "Y học hiện nay vẫn đang có những nghiên cứu chuyên sâu để tách chiết tế bào gốc theo ý muốn của con người, nhưng ưu tiên trước hết là dùng trong việc chữa bệnh cứu người, sau đó mới đến làm đẹp. Chính vì vậy, trước khi công nghệ tế bào gốc làm đẹp được cấp phép chính thức, người dân không nên tin theo đồn đoán để sử dụng một phương pháp làm đẹp mơ hồ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe".

Bác sĩ Hà cho hay, dù quảng cáo là tiêm tế bào gốc trẻ hóa nhưng thật ra đó là những tế bào từ trung mô và hay gặp nhất là mỡ tách chiết ra, không phải là tế bào gốc. Đó là chưa kể đến việc sử dụng mỡ phải đảm bảo vô trùng, nếu không rất dễ gây nhiễm trùng mỡ cực kỳ phức tạp và dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cũng theo phân tích của một chuyên gia về tế bào gốc, hiện các thẩm mỹ viện đang nhập nhèm khái niệm tế bào gốc để đánh vào tâm lý những người có nhu cầu làm đẹp. Cần hiểu trong máu hoàn toàn không có phần trăm nào của tế bào gốc. Huyết tương giàu tiểu cầu được chiết xuất bằng phương pháp ly tâm từ máu không phải là tế bào gốc. Mặc dù phương pháp làm trẻ hóa làn da bằng cách tiêm, cấy huyết tương giàu tiểu cầu lên bề mặt da đã áp dụng, tuy nhiên không phải nơi nào cũng có thể triển khai kỹ thuật này, người thực hiện các kỹ thuật này phải được ngành Y tế cấp phép.

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh mới đây ra biên bản xác định: Viện thẩm mỹ Khơ Thị của Công ty Cổ phần Khơ Thị Skincare clinnic đã "quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định".

Ngoài mức xử phạt là 35 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế buộc Công ty Khơ Thị “tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện”.

Viện thẩm mỹ Khơ Thị thuộc Công ty Cổ phần Khơ Thị Skincare clinnic được biết đến là một cơ sở làm đẹp nổi tiếng, quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam, do Hoa hậu Quý bà Nguyễn Thị Thu Hoài sáng lập và phát triển hơn 15 năm qua.

Theo Sức khỏe cộng đồng

Link gốc : https://tintucvietnam.vn/tmv-kho-thi-cong-nhien-su-dung-phuong-phap-lam-dep-trai-phep-truc-loi-hang-tram-trieu-dong-d232394.html

Bạn đang đọc bài viết Thẩm mỹ viện Khơ Thị trục lợi bằng phương pháp làm đẹp chưa cấp phép tại chuyên mục Thẩm mỹ viện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thẩm mỹ viện