Thực hiện kế hoạch tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử năm 2024, qua rà soát trên mạng xã hội Facebook, Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra 3 hộ kinh doanh điện thoại trên địa bàn và phát hiện cả 3 cơ sở đều đang bán điện thoại, phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, hộ kinh doanh H.Q.C tại địa chỉ phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn; hộ kinh doanh V.T.M.V tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn; hộ kinh doanh H.H.H địa điểm kinh doanh phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.
Ngay sau vụ việc Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành xử phạt 3 hộ kinh doanh trên với hành vi kinh doanh buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, cũng tại Lạng Sơn, trên km 28 QL 1A, thuộc địa phận xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 1 - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô loại 7 chố, nhãn hiệu INOVA BKS 98A-026.04. Tại thời điểm kiểm tra Tổ công tác phát hiện 87 chiếc máy tính bảng Ipad dung lượng 32GB; 60 chiếc điện thoại di động Iphone 6S Plus, dung lượng 64GB.
Thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đình Hiền là người trực tiếp điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và các loại giấy tờ có liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trên. Trị giá số hàng hóa trên khoảng 100 triệu đồng.
Lạng Sơn xử lý nhiều hộ kinh doanh điện thoại giả mạo nhãn hiệu. (Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn) |
Theo các chuyên gia công nghệ, trong thời đại công nghệ số, việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, thực trạng đáng báo động đang diễn ra trên thị trường đó là số lượng điện thoại và linh kiện giả mạo, không có nguồn gốc ngày càng gia tăng khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt "đâu là thật - đâu là giả".
Theo nhiều nghiên cứu, thị trường điện thoại và linh kiện giả mạo đã trở thành "ngành công nghiệp" riêng biệt, với quy mô lớn và phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng này diễn ra rất phổ biến, các sản phẩm giả mạo thường được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ điện tử, thậm chí trên các trang mạng xã hội với hình thức và mẫu mã giống hệt sản phẩm chính hãng nhưng chất lượng thì hoàn toàn khác biệt.
Điện thoại giả mạo thường không được kiểm định chất lượng, dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Hầu hết sản phẩm này thiếu tính năng bảo mật cần thiết, dễ hỏng hóc và thường không thể cập nhật phần mềm. Điều này không chỉ gây bất tiện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến an ninh thông tin.
Đặc biệt hiện nay, việc mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Nhiều trang web và tài khoản mạng xã hội mạo danh các thương hiệu nổi tiếng, cung cấp sản phẩm với giá cực kỳ hấp dẫn. Khi người tiêu dùng đặt hàng, họ có thể nhận được một sản phẩm hoàn toàn khác hoặc không nhận được hàng. Thậm chí, có nhiều trang web chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trước khi biến mất cùng với số tiền của khách hàng.
Một số cửa hàng còn sử dụng các chiêu trò quảng cáo đánh lừa, chẳng hạn như tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hoặc thông báo "giá sốc" cho sản phẩm mới. Người tiêu dùng dễ dàng bị cuốn hút và không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc sản phẩm. Khi họ phát hiện ra mình đã bị lừa thì đã quá muộn để có thể lấy lại tiền hoặc đổi sản phẩm.
Điện thoại và linh kiện không chính hãng có thể gây hại cho sức khỏe như pin bị nổ hoặc quá nhiệt. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm này còn khiến người dùng dễ bị tấn công bởi phần mềm độc hại, dẫn đến nguy cơ mất mát dữ liệu cá nhân, thông tin nhạy cảm và tài chính.
Theo VietQ