Liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC
Cuối tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex - chủ đầu tư Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại là Hinode City) ở 201 Minh Khai (P.Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật.
Theo đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã xử phạt Vietracimex 103 triệu đồng đối với 2 hành vi vi phạm. Cụ thể, chủ đầu tư dự án Hinode City đã thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC. Thời gian khắc phục các vi phạm nêu trên là 30 ngày.
Vietracimex thi công, lắp đặt không đúng kế về PCCC; đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa nghiệm thu PCCC tại dự án Hinode City 201 Minh Khai. |
Chỉ 2 ngày sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.
Thời gian khắc phục vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận Hai Bà Trưng là 15 ngày. "Trong thời hạn 15 ngày phải có văn bản đề nghị của cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định… Nếu quá thời gian trên mà chủ đầu tư không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định", văn bản xử phạt nêu.
Đây không phải lần đầu tiên UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex. Trước đó vào tháng 9/2019, chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai đã bị xử phạt 40 triệu đồng do “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. Tại quyết định xử phạt này, UBND quận yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Vietracimex phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Quyết định cũng nêu rõ: “Hết thời hạn này, Vietracimex không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt GPXD điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định”.
Dự án Hinode City chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…chủ đầu tư cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật. |
Tuy nhiên, hết thời hạn trên dự án vẫn chưa được cấp bổ sung GPXD, các sai phạm của chủ đầu tư vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ. Thậm chí khi dự án đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hợp thức hoá sai phạm, chưa được nghiệm thu công trình, PCCC đã cho dân vào ở.
Theo phản ánh của cư dân đang sống tại chung cư Hinode City 201 Minh Khai, nhiều người đã chuyển về đây ở từ cuối năm 2019 tới nay người dân về ở tại chung cư đã lên hàng trăm căn hộ bất chấp an toàn và quy định pháp luật.
Chủ đầu tư bất chấp pháp luật, chính quyền làm ngơ thiếu trách nhiệm?
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về việc dự án đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch có được nghiệm thu đưa vào sử dụng hay không Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định: Nếu dự án chưa hoàn tất các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch thì chưa thể nghiệm thu công trình.
“Khi chưa thể nghiệm thu thì không thể cho người dân vào ở. Đó là bắt buộc đồng nghĩa với việc không thể đưa vào sử dụng. Chưa hoàn tất các thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng cho biết, Bộ đã từng phát hiện những trường hợp như vậy và đã có văn bản gửi chính quyền địa phương để xem xét, xử lý.
Còn PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) thẳng thắn đặt vấn đề: Việc công trình chưa được nghiệm thu đã đưa dân vào ở ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thể hiện rõ sự vô trách nhiệm thì trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?
PGS.TS. Trần Chủng: “Chủ đầu tư không tuân thủ vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý là làm ngơ thiếu trách nhiệm”. |
“Ở đây phải quy trách nhiệm rất rõ. Nếu công trình do Bộ Xây dựng quản lý thì phải được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận kết quả đủ điều kiện mới cho vào hoạt động vận hành. Nếu công trình do Sở Xây dựng quản lý thì Sở kiểm tra, chấp thuận công trình cho đưa vào vận hành khai thác. Tất cả các điều này đều được quy định rất rõ. Phải sống và làm việc theo pháp luật phải tuân thủ theo đúng những quy định bởi đây là vấn đề liên quan đến an toàn sinh mạng người dân” – ông Chủng cho hay.
Vị nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng lỗi chính vi phạm trực tiếp là chủ đầu tư đã bất chấp luật pháp, bất chấp quản lý ngang nhiên thách thức dư luận. Còn về phía chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra xử lý, can thiệp khi chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật.
“Trách nhiệm quản lý về sự tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của chính quyền. Còn nghĩa vụ của chủ đầu tư là phải tuân thủ pháp luật mà không tuân thủ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhà nước đã phân quyền trách nhiệm cho cơ quan quản lý thì phải quản lý sự tuân thủ pháp luật. Chủ đầu tư không tuân thủ vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý là làm ngơ thiếu trách nhiệm. Luật đã quy định vì vậy cần quy rõ trách nhiệm. Chủ đầu tư sai quy trình, chính quyền, cơ quan Nhà nước lập tức phải có biện pháp can thiệp hành chính khác chứ không phải muốn làm gì thì làm. Chính quyền phải có trách nhiệm về quản lý trên địa bàn phải bảo vệ người dân đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng” – ông Chủng nhấn mạnh.
Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng Cuối năm 2019, thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác PCCC, trước hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng nhưng chưa thấy xử lý trách nhiệm ai, Đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp mạnh, kể cả giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ. Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu lên vấn đề đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm có vấn đề thì trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, còn dưới thì quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi. Bà đề nghị hãy nhìn thẳng vào các tồn tại và hơn hết hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn. Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng rất mong Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu UBND các cấp, kể cả việc phải giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ mà thiếu trách nhiệm, hiệu quả công việc kém. |
Theo Vietnamnet